Bệnh nhi điều trị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
TP.HCM là địa phương có số ca mắc bệnh tay chân miệng cao nhất trong cả nước với hơn 16.000 ca, tính từ đầu năm đến ngày 15-12-2024.
TS Trần Đại Quang - phó trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết như vậy tại hội nghị "Chiến lược và giải pháp tăng cường phòng ngừa và kiểm soát bệnh tay chân miệng tại Việt Nam", do Viện Pasteur TP.HCM tổ chức vào ngày 18-12 tại TP.HCM.
Theo TS Đại Quang, bệnh tay chân miệng hiện lưu hành trên cả nước, nhưng tập trung nhiều ở các tỉnh miền Nam. Các đợt dịch tay chân miệng chủ yếu do Enterovirus 71, đây cũng là tác nhân gây ra các ca bệnh tay chân miệng nặng, tử vong.
Từ đầu năm đến ngày 15-12-2024, cả nước có hơn 76.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, chưa ghi nhận ca tử vong. Trong đó hơn 60.000 ca tay chân miệng tập trung ở các tỉnh phía Nam.
Bệnh tay chân miệng có 2 đỉnh dịch. Đỉnh dịch cao vào tháng 9 - 10, và đỉnh thấp vào tháng 5 - 6.
Bé trai có tỉ lệ mắc bệnh tay chân miệng cao hơn bé gái, có thể là do bé trai có vận động nhiều hơn bé gái.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm rất thường gặp ở trẻ em.
Bệnh gây ra gánh nặng đối với cá nhân mắc bệnh, gia đình bệnh nhân cũng như các cơ sở y tế... Mỗi năm tại Việt Nam có hàng chục ngàn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có nhiều trường hợp nặng và có thể tử vong.
Vắc xin phòng bệnh tay chân miệng từng được nghiên cứu tại Viện Pasteur TP.HCM
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng thảo luận về vắc xin phòng chống Enterovirus 71 (EV71). Loại vắc xin mới này đã được tiêm hơn 250.000 liều trong năm qua tại Đài Loan.
ThS Nguyễn Trọng Toàn, Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng Viện Pasteur TP.HCM, cho hay thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin này cũng được thực hiện ở Viện Pasteur TP.HCM với hiệu lực bảo vệ của vắc xin đạt đến 96,8%, không có trường hợp mắc EV71 nào trong nhóm được tiêm vắc xin EV71.