Chuyên mục  


Thông tin được Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ Lễ phát động Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi ở TP HCM, ngày 30/12. Chương trình do Bộ Y tế phối hợp Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và UBND TP HCM tổ chức, tiếp nối lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ phát động ở Hà Nội hôm 19/5.

Theo bà Lan, 32 năm kể từ khi thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên trên người vào tháng 6/1992, Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong ghép tạng. Từ 4 cơ sở ban đầu, đến nay cả nước có 28 bệnh viện được cấp phép ghép tạng, bao gồm cả bệnh viện cấp tỉnh, thực hiện tổng cộng khoảng 9.300 ca ghép.

Năm 2024, bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện thành công ca ghép phổi. Đây là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng hiện nay, hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển. Các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng lần đầu Việt Nam ghép đồng thời tim và gan cho một bệnh nhân ở giai đoạn rất nặng.

"Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển trên thế giới", bà Lan nói. Đây là những đột phá trong phát triển kỹ thuật y học chuyên sâu, thể hiện trình độ, năng lực của các y, bác sĩ nước nhà trên bản đồ y khoa thế giới.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ Lễ phát động Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi, ngày 30/12. Ảnh: Lê Phương

Năm nay, khoảng 190 ca được chẩn đoán chết não, gấp gần 6 năm so với năm ngoái. Điều này góp phần giúp số ca hiến tạng tăng cao kỷ lục với 39 trường hợp. Tuy nhiên, bà Lan cho rằng tỷ lệ hiến tạng từ người cho chết não còn khá thấp so với nhu cầu người đăng ký nhận tạng.

"Số lượng ca chờ ghép cao, danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn rất dài và mỗi ngày vẫn có rất nhiều người không có tạng để ghép", Bộ trưởng nói.

Tại các nước phát triển trên thế giới như Tây Ban Nha, Mỹ, Hàn Quốc..., tỷ lệ hiến tạng sau chết chiếm hơn 90%. Trong khi đó, Việt Nam có hơn 100 triệu dân nhưng người hiến tạng thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Tương tự, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nhờ số ca hiến tạng chết não tăng kỷ lục, tỷ lệ tạng ghép từ nguồn hiến này tăng lên 12%. Trước đây, số ca ghép từ nguồn hiến sống chiếm đến 95%, chỉ có 4-5% từ người hiến tạng sau khi qua đời. Trên thế giới, tỷ lệ người hiến chết não trung bình chiếm khoảng 60% số ca ghép. Ở một số nước, tỷ lệ này có thể hơn 90%.

Hiên nay, Việt Nam là nước duy nhất Đông Nam Á nằm trong danh sách quốc gia thực hiện hơn 1.000 ca hiến ghép tạng mỗi năm, song số người cho chết não hiến tạng vẫn vào loại thấp nhất. Bà Tiến cho rằng lý do cơ bản là nhiều người vẫn còn quan niệm "chết phải toàn thây", dẫn đến sự lãng phí rất lớn về nguồn tạng.

Các y bác sĩ tri ân người đàn ông 47 tuổi chết não tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, trước khi phẫu thuật nhận mô tạng, ngày 20/12. Ảnh: Tâm Nguyễn

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động hiến tặng mô tạng và sẽ có giải pháp cụ thể thúc đẩy công việc ý nghĩa này. "Đây cũng là công việc rất khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì nỗ lực thay đổi các quan niệm", ông chia sẻ, thêm rằng sẽ có những hình thức tôn vinh để kịp thời động viên các tổ chức, cá nhân.

Bộ Y tế đang đề xuất Chính phủ ban hành Ngày Hiến tạng Quốc gia là ngày 20/5 hàng năm - ngay sau ngày Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô tạng.

Lê Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020