Chuyên mục  


Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) vừa công bố bộ hướng dẫn đầu tiên nhằm chuẩn hóa việc chẩn đoán và điều trị béo phì. Hướng dẫn được công bố hôm 17/10 trong bối cảnh tỷ lệ người thừa cân, béo phì tại Trung Quốc có xu hướng tăng, với hơn 50% người trưởng thành bị ảnh hưởng... NHC dự báo con số này có thể lên tới 65,3% vào năm 2030.

Theo hướng dẫn, "béo phì đã trở thành một vấn đề y tế cộng đồng lớn ở Trung Quốc, đứng thứ 6 trong số các yếu tố nguy cơ gây tử vong và tàn tật".

Nước này hiện đối mặt với thách thức kép gây ra vấn đề cân nặng. Nền kinh tế hiện đại dựa trên công nghệ, khiến người lao động trong nhiều lĩnh vực phải ngồi một chỗ khi làm việc. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế chậm, buộc người dân lựa chọn chế độ ăn uống rẻ và kém lành mạnh.

Căng thẳng công việc, thời gian làm việc dài và chế độ ăn uống kém là những yếu tố nguy cơ cao gây béo phì ở thành thị. Ở nông thôn, công việc đồng áng ngày càng ít đòi hỏi thể lực, trong khi hệ thống y tế chưa đáp ứng đủ nhu cầu sàng lọc và điều trị các vấn đề về cân nặng.

Bệnh nhân trò chuyện với nhau tại một trung tâm giảm cân ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc. Ảnh: Reuters

"Hướng dẫn cung cấp các quy định về dinh dưỡng lâm sàng, phẫu thuật, can thiệp hành vi, tâm lý và tập luyện", ông Zhang Zhongtao, phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Bắc Kinh, chủ nhiệm ủy ban soạn thảo hướng dẫn, cho biết.

Tháng 7/2024, NHC và 15 cơ quan chính phủ khác của Trung Quốc đã phát động chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống béo phì kéo dài ba năm, xoay quanh tám khẩu hiệu: "Cam kết suốt đời, chủ động theo dõi, chế độ ăn uống cân bằng, hoạt động thể chất, ngủ ngon, đặt mục tiêu giảm cân hợp lý và hành động gia đình".

Cũng trong tháng 7, các trường tiểu học và trung học được phổ biến hướng dẫn y tế, khuyến khích sàng lọc thường xuyên, tập thể dục hàng ngày, thuê chuyên gia dinh dưỡng và thực hiện thói quen ăn uống lành mạnh: giảm muối, dầu mỡ và đường.

Theo Tân Hoa Xã, béo phì ở Trung Quốc là "hệ quả không mong muốn của việc cải thiện mức sống". Trước thời kỳ đổi mới, mở cửa cuối những năm 1970, Trung Quốc đã phải vật lộn để nuôi sống dân số và suy dinh dưỡng là mối lo ngại thực sự của nhiều gia đình.

Thục Linh (Theo Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020