Người vận động quá sức dễ bị đau nhức cơ khớp - Ảnh: N.P.
1. Các loại dầu nóng góp phần làm giảm các tín hiệu đau từ khớp về não bộ, giống như việc làm "phân tâm" và giúp bạn đỡ đau hơn. Vì vậy phương pháp này có thể sử dụng nhiều lần và ít tác dụng phụ nhất.
2. Các loại băng dán giảm đau ngày nay khá phổ biến và có thể mua tại nhà thuốc mà không cần toa thuốc của bác sĩ. Ưu điểm của các loại băng dán này là "đau ở đâu thì dán ở đó".
3. Chườm lạnh hoặc chườm ấm cũng là một giải pháp ít tác dụng phụ, rẻ tiền và dễ áp dụng cho những người bị đau khớp háng sau tập luyện thể thao.
Chườm lạnh giúp giảm phản ứng viêm ở các cơ quanh khớp háng, trong khi chườm ấm có thể giúp cơ thư giãn, giảm căng cơ.
Để chườm lạnh đúng cách, cần tuân thủ thời gian áp dụng, chườm trong 15 phút, sau đó nghỉ trong 2 giờ mới được chườm lại để tránh hiện tượng bỏng lạnh.
4. Với tình trạng đau khớp háng đến từ nguyên nhân căng cơ, cần các bài tập giúp kéo giãn các nhóm cơ mông và cơ xoay ngoài khớp háng. Trong quá trình kéo giãn, nếu cảm thấy cơn đau không cải thiện thì cần ngừng tập và tham khảo ý kiến bác sĩ.
5. Sử dụng các loại thuốc không cần kê toa
Có thể sử dụng các loại thuốc không cần kê toa như acetaminophen hoặc ibuprofen. Các loại thuốc này có thể giúp giảm đau, giảm sưng và viêm khớp háng trong giai đoạn đầu. Bởi vì những thuốc trên nằm trong nhóm thuốc không cần kê toa nên bạn có thể mua ở bất kỳ nhà thuốc nào.
Tuy nhiên, những thuốc trên là thuốc giảm viêm, giảm đau, nên chỉ giải quyết được hệ quả chứ không giải quyết được nguyên nhân gây đau háng. Chỉ sử dụng ở tình huống cấp bách và trong thời gian ngắn ngày.
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cơn đau khớp háng khiến cho ngay cả những sinh hoạt thông thường gặp trở ngại như việc đứng lên, ngồi xuống, đi lại hoặc đứng.
Đặc biệt cần liên hệ cấp cứu khi: khớp háng đau dữ dội, biến dạng, bàn chân bên đau bị xoay ngoài, chân đau trông ngắn hơn so với chân bên lành.