Chuyên mục  


Mona Lisa, kiệt tác của danh họa Leonardo Da Vinci sáng tác năm 1503, được mệnh danh bức họa nổi tiếng và được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới sau lớp kính chống đạn dày 4 cm, trong môi trường 6 độ C và 50% độ ẩm. Với bảo mật cao đến mức "không thể xâm phạm", ít ai nghĩ rằng hơn 100 năm trước, việc lấy cắp nó khỏi nơi trưng bày vĩnh viễn, Bảo tàng Louvre, lại đơn giản như mang đi một tờ giấy bình thường.

Tác phẩm hiện được bảo vệ nghiêm ngặt, du khách chỉ có thể đứng quan sát ở phạm vi đã căng dây. Ảnh: Musing

Tối chủ nhật, 20/8/1911, người đàn ông nhỏ nhắn có ria mép mặc đồng phục tạp dề trắng của các nhân viên bảo tàng bước vào khu vực Salon Carré của bảo tàng Louvre, nơi bức tranh của Da Vinci được trưng bày cùng một số kiệt tác.

An ninh trong bảo tàng khi này rất lỏng lẻo, đến mức người đàn ông này có thể đủng đỉnh nhấc bức tranh ra khỏi bốn chiếc chốt sắt đang buộc nó vào tường. Mang tranh lên cầu thang phụ gần đó, hắn tháo vỏ kính và khung bảo vệ, lấy đi "nụ cười nổi tiếng nhất hành tinh" rồi cởi áo khoác ngoài để quấn quanh, kẹp nó dưới cánh tay và thủng thẳng rời Louvre bằng cửa chính.

Thấy cửa bị khóa, anh ta đặt bức tranh lên sàn nhà và cố gắng tháo tay nắm. Lúc này, một thợ bảo trì ống nước của bảo tàng xuất hiện trên cầu thang. Tên trộm toát mồ hôi tưởng "tới số", nhưng người thợ lại vui vẻ giúp mở cửa vì là đồng nghiệp. Với một lời cảm ơn thân thiện, tên trộm đã bỏ trốn với bức tranh giá trị nhất hành tinh.

Trong hơn một ngày, nhân viên của Louvre không biết rằng kiệt tác Mona Lisa đã bị đánh cắp. Các bức tranh của bảo tàng thường được gỡ ra khỏi tường để lau chùi hoặc chụp ảnh nên người qua đường ít để ý đến khoảng trống nơi thường đặt bức chân dung. Cuối cùng, khoảng trưa thứ ba, 22/8/1911, một nghệ sĩ đến thăm đã yêu cầu nhân viên bảo vệ truy tìm bức tranh.

Khi người bảo vệ không thể xác định được vị trí của nó, bảo tàng đã gọi cảnh sát và bắt đầu cuộc tìm kiếm điên cuồng. Sau đó, khung kính của Mona Lisa mới được phát hiện ở cầu thang. Tối hôm đó, một quan chức bảo tàng đã thông báo với thế giới về vụ trộm. "Bức Mona Lisa đã biến mất. Cho đến nay chúng tôi không có manh mối nào", người này nói.

Tin tức về vụ mất tích gây ra làn sóng phẫn nộ ở Pháp. "Tên tội phạm táo bạo nào, kẻ bí ẩn nào, nhà sưu tập điên cuồng nào, kẻ hâm mộ loạn trí nào đã thực hiện vụ cướp này?" tạp chí Paris L'Illustration nêu thắc mắc. Một đội quân thám tử đã đến Bảo tàng Louvre để lấy dấu vân tay và thẩm vấn nhân chứng.

Ôtô, hành khách trên tàu hơi nước và người đi bộ bị khám xét tại các trạm kiểm soát. Cảnh sát đã tung "áp phích truy nã" hình nụ cười nửa miệng bí ẩn của nàng Mona Lisa. Cuối cùng, khi Bảo tàng Louvre mở cửa trở lại một tuần sau đó, hàng nghìn người đã đến mắt nhìn bức tường trống nơi bức tranh từng được treo.

Khoảng trống trên bức tường Louvre nơi bức Mona Lisa từng được treo trước khi bị đánh cắp. Ảnh: Vintage Everyday

Bất chấp sự ồn ào của giới truyền thông, cuộc điều tra của cảnh sát đã đưa ra rất ít manh mối. Nghi phạm số một là Guillaume Apollinaire - nhà thơ tiên phong từng kêu gọi đốt cháy bảo tàng Louvre. Guillaume Apollinaire bị bắt vào tháng 9/1911 sau khi cảnh sát liên kết ông ta với vụ trộm hai bức tượng cổ trước đó, đã được thư ký của ông ta mang đi khỏi Bảo tàng Louvre.

Trong quá trình thẩm vấn, Apollinaire thậm chí ám chỉ người bạn thân của mình, danh họa Pablo Picasso, khi đó 29 tuổi, người đã mua những bức tượng nhỏ và dùng chúng làm mẫu trong các bức tranh của mình. Hai nghệ sĩ sau đó đã được minh oan do thiếu bằng chứng, và đều đã trở thành những tượng đài nghệ thuật.

Ngày tháng trôi qua, những suy đoán về nơi ở của Mona Lisa lan tràn. Tờ New York Times viết rằng "một số lượng lớn công dân đã trở thành Sherlock Holmes nghiệp dư và tiếp tục phát huy hầu hết các lý thuyết phi thường". Một số người lập luận rằng ông trùm ngân hàng Mỹ JP Morgan đã thực hiện vụ trộm để củng cố bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân của mình.

Những vụ truy lùng, thẩm vấn được cho là đã lan đến cả những nơi xa xôi như Brazil, Nga và Nhật Bản, nhưng cuối cùng hơn hai năm trôi qua mà vụ án không có kết quả. Nhiều người bắt đầu tin rằng kiệt tác 400 năm tuổi của Da Vinci đã bị mất vĩnh viễn.

Tuy nhiên, cảnh sát không biết rằng Mona Lisa vẫn còn ở Pháp.

Trên thực tế, ngay từ ngày bị đánh cắp, nó đã nằm trong căn hộ một phòng ở ngoại ô Paris. Đạo chích là Vincenzo Peruggia, 30 tuổi, người Italy nhập cư Pháp từ 1908, từng làm công việc lặt vặt tại Bảo tàng Louvre. Kẻ này thậm chí còn giúp xây dựng khung bảo vệ của Mona Lisa.

Sau khi lấy bức tranh vào tháng 8/1911, Vincenzo Peruggia đã cất nó ở nhà, trong chiếc hòm gỗ có đáy giả. Là cựu nhân viên của Louvre, anh ta đã bị thẩm vấn về vụ trộm hai lần riêng biệt, nhưng chưa bao giờ bị coi là nghi phạm nghiêm trọng.

Peruggia đã giấu bức Mona Lisa suốt hai năm trong khi chờ đợi sức nóng truyền thông giảm bớt. Sau này anh nói: "Tôi trở thành 'nạn nhân' của nụ cười của cô ấy và ngắm nhìn kho báu của mình mỗi tối. Tôi đã trúng tiếng sét ái tình với cô ấy".

Vincenzo Peruggia. Ảnh: The Collector

Peruggia đã cố gắng bán "tình yêu sét đánh" của mình vào tháng 12/1913. Sử dụng bí danh "Leonard", anh ta gửi một lá thư cho nhà buôn nghệ thuật ở Florentine (Italy) tên Alfredo Geri và thông báo đã đánh cắp bức Mona Lisa và muốn mang nó hồi hương, do Da Vinci là người Italy.

Sau khi trao đổi với Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Uffizi, Giovanni Poggi, ông Geri đã mời Peruggia đến Florence (Italy) và đồng ý xem tranh. Vài ngày sau, ba người đàn ông tập trung tại phòng khách sạn của Peruggia, nơi anh ta lấy ra một vật thể bí ẩn được bọc trong lụa đỏ.

Sau này Geri viết: "Chúng tôi đặt nó lên giường và trước con mắt kinh ngạc của chúng tôi, bức Mona Lisa thần thánh xuất hiện, nguyên vẹn và được bảo quản một cách kỳ diệu". Họ ngay lập tức sắp xếp để đưa bức tranh đến Uffizi, đồng ý với mức giá bán 500.000 lire mà Peruggia đề xuất.

Nhưng họ thực chất không có ý định mua bức Mona Lisa. Thay vào đó, sau khi xác thực bức chân dung, họ đã lập tức trình báo kẻ trộm với chính quyền. Chiều ngày 11/12/1913, cảnh sát bắt Peruggia tại khách sạn đang ở.

Sau chuyến tham quan ngắn ngày qua quê hương của Da Vinci, bức Mona Lisa cuối cùng đã được đưa trở lại Bảo tàng Louvre vào tháng 1/1914.

Peruggia bị buộc tội trộm cắp và xét xử ở Italy. Trong lời khai của mình, anh ta nói niềm tự hào dân tộc đã thôi thúc việc đánh cắp bức tranh mà anh ta tin rằng đã bị cướp khỏi quê hương trong thời đại Napoléon.

Peruggia đã nhầm, chính Da Vinci đã mang bức Mona Lisa đến Pháp vào năm 1516, và tặng cho Vua Francois I để trở có thể thành họa sĩ trong triều đình vào thế kỷ 16, tức là 250 năm trước khi Napoléon ra đời.

Ngay cả sau khi bên công tố đưa ra bằng chứng cho thấy Peruggia dự định bán bức tranh cho những người buôn bán nghệ thuật và bán kiếm lời, nhiều người Italy vẫn coi Peruggia là "anh hùng dân tộc". Cuối cùng, anh ta bị kết án một năm 15 ngày tù nhưng chỉ thụ án bảy tháng thì kháng cáo thành công và được trả tự do.

Vincenzo Peruggia được nhiều người Italy nhớ đến với cái tên "Don Quixote của Ý", được tiểu thuyết gia RA Scotti viết trong cuốn sách Nụ cười biến mất: Vụ trộm bí ẩn của Mona Lisa: "Anh ta sẽ mãi mãi là nhân vật phản diện đối với một số người và là anh hùng đối với những người khác".

Mona Lisa khi được trả lại tại Bảo tàng Louvre. Ảnh: Wide Walls

Trong khi Peruggia nhanh chóng bị lãng quên, vụ cướp táo bạo của hắn chỉ khiến Mona Lisa trở nên ngày một nổi tiếng hơn. Ít nhất 120.000 người đã đến xem bức tranh trong hai ngày đầu tiên sau khi được đưa về Bảo tàng Louvre. Những người yêu thích nghệ thuật và các nhà phê bình đã đưa ra những suy đoán mới về nụ cười bí ẩn của chủ đề này và nó được nhắc đến trong vô số phim hoạt hình, quảng cáo, tác phẩm nhái, bưu thiếp và bài hát.

Mặc dù bức tranh nổi tiếng trước khi bị trộm nhưng tiếng tăm mà nó nhận được từ các tiêu đề báo chí và cuộc điều tra quy mô lớn của cảnh sát đã giúp tác phẩm nghệ thuật này trở thành một trong những kiệt tác được biết đến nhiều nhất trên thế giới, thu hút được sự chú ý đáng kể. Ngày nay, bức tranh đón khoảng 10 triệu du khách mỗi năm.

Hải Thư (Theo History, Guardian, The collector)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020