Ông Nguyễn Văn Hòa - cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM - Ảnh: TUYẾT MAI
Tuổi Trẻ Online đã có trao đổi với ông Nguyễn Văn Hòa - cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM - về việc thi hành án đối với vụ án này.
* Thưa ông, để yêu cầu thi hành án, đương sự cần chuẩn bị những giấy tờ gì, trong đó đối với bản án thì cần có hai bản án hay chỉ cần một bản án?
- Căn cứ khoản 1 điều 31 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan.
Như vậy, khi nộp đơn yêu cầu thi hành án, người yêu cầu thi hành án phải nộp kèm theo bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan.
Tuy nhiên do vụ án Alibaba có số lượng người bị hại rất lớn, được dư luận xã hội quan tâm và Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã nhận đầy đủ bản án sơ thẩm, phúc thẩm và các tài liệu kèm theo bản án nên khi tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM xử lý linh hoạt như sau:
Về đơn yêu cầu thi hành án, đối với đương sự nộp đơn trực tiếp thì đương sự cần nộp bản án do tòa án cấp, CCCD/CMND/hộ chiếu và các tài liệu khác có liên quan. Trường hợp đương sự ở xa, không có điều kiện để đến trực tiếp trụ sở cơ quan thi hành án dân sự hoặc ủy quyền cho người khác nộp đơn yêu cầu, thì có thể đề nghị Cục Thi hành án dân sự TP.HCM hỗ trợ qua hộp thư nhandonalibaba@moj.gov.vn, khi đó cơ quan thi hành án dân sự sẽ hướng dẫn, gửi mẫu đơn yêu cầu thi hành án, đương sự kiểm tra, in và ký nộp kèm theo hồ sơ qua bưu điện.
Đối với bị hại không kháng cáo bản án sơ thẩm thì chỉ cần nộp bản án sơ thẩm do TAND TP.HCM cấp.
Đối với bị hại có kháng cáo bản án sơ thẩm thì chỉ cần nộp bản án phúc thẩm do TAND cấp cao tại TP.HCM cấp.
Trường hợp vào cùng một thời điểm Cục Thi hành án dân sự TP.HCM nhận nhiều đơn yêu cầu thi hành án liên quan đến vụ án Alibaba, thì cục trưởng sẽ ra một quyết định thi hành án chung cho nhiều yêu cầu.
Do đó, đối với đương sự chưa nhận được bản án sơ thẩm, phúc thẩm thì có thể kết hợp với các đương sự khác đã có một trong hai bản án sơ thẩm hoặc phúc thẩm để nộp đơn yêu cầu thi hành án.
* Có phải ai yêu cầu thi hành án trước thì được thi hành toàn bộ, hay sẽ được chia theo tỉ lệ? Các bị hại sẽ được đồng loạt thi hành án hay ai yêu cầu trước sẽ được thi hành án trước? Bị hại có yêu cầu thi hành án sau có bị ảnh hưởng gì đến quyền lợi của mình không?
- Đối với số tiền đã thu giữ tại giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM chia theo tỉ lệ cho các bị hại theo số tiền được hưởng.
Đối với các tài sản xử lý tại giai đoạn thi hành án, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM sẽ thực hiện việc ưu tiên thanh toán cho những trường hợp đã yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế theo quy định tại điều 47 Luật Thi hành án dân sự và nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17-3-2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18-7-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Trước khi thực hiện việc kê biên tài sản để thi hành án, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM sẽ thực hiện thông báo cho các bị hại chưa làm đơn yêu cầu nhanh chóng liên hệ Cục Thi hành án dân sự TP.HCM để thực hiện quyền làm đơn yêu cầu. Nếu hết thời hạn thông báo, các bị hại không liên hệ, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM tiến hành kê biên, xử lý tài sản, số tiền thu được sẽ chi trả theo tỉ lệ cho những bị hại đã có đơn yêu cầu.
* Việc xử lý tài sản của người phải thi hành án sẽ được thực hiện như thế nào?
- Đối với các tài sản nằm trong địa bàn TP.HCM, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM sẽ thực hiện việc kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá theo quy định để đảm bảo thi hành án.
Đối với các tài sản ngoài địa bàn TP.HCM, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM tiến hành ủy thác xử lý tài sản. Sau khi các cơ quan thi hành án nhận ủy thác xử lý tài sản xong sẽ chuyển tiền về cho Cục Thi hành án dân sự TP.HCM chỉ trả.
* Khi nào bị hại có thể nhận được tiền thi hành án?
- Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã có văn bản yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra chuyển số tiền tạm giữ 57.339.130.809 đồng về cho Cục Thi hành án dân sự TP.HCM. Sau khi nhận được số tiền trên, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM sẽ thực hiện việc chi trả tiền cho bị hại theo tỉ lệ.
Đối với tài sản phải thực hiện các thủ tục xác minh, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá, sau khi bán đấu giá hoàn thành Cục Thi hành án dân sự TP.HCM sẽ chi trả tiền cho các đương sự theo quy định.
* Khi nào thì Cục Thi hành án dân sự TP.HCM ngừng tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án?
- Theo điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Như vậy, trong thời hạn này thì đương sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án, tổ chức việc thi hành án. Hết thời hạn này, thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án, trừ trường hợp chứng minh được do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn, thời gian sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Vì vậy, pháp luật không quy định thời điểm nào thì cơ quan thi hành án dân sự ngừng tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án. Việc tiếp nhận, xử lý yêu cầu thi hành án được thực hiện xuyên suốt trong thời hiệu, kể cả khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì đương sự vẫn có quyền yêu cầu thi hành án (nhưng phải chứng minh do yêu cầu thi hành án quá hạn) hoặc cho đến khi tất cả đương sự trong vụ án đã yêu cầu thi hành án hợp lệ, được cơ quan thi hành án dân sự thụ lý thi hành án.