Chuyên mục  


an-hanh-chinh-17350022968841720719690.jpg

Đất của bà Hồ Thị Đẻo đã được thu hồi, thi công công trình nhưng bản án hành chính thắng kiện đã có hiệu lực thì chính quyền huyện Củ Chi chưa thi hành - Ảnh: ÁI NHÂN

Để bảo vệ quyền lợi trước các quyết định hành chính, hành vi hành chính, người dân đã phải vất vả khiếu nại, rồi khởi kiện, rồi đòi yêu cầu thi hành án. Đó là hành trình dài nhiều năm trời...

Gần 17 năm đòi bồi thường đúng giá

Năm 2008, UBND huyện Củ Chi (TP.HCM) ra quyết định thu hồi 13.453m2 đất của bà Hồ Thị Đẻo để làm dự án sân golf nhưng đến năm 2014 huyện mới ban hành quyết định bồi thường. 

Suốt quá trình đó bà Đẻo liên tục yêu cầu huyện thực hiện việc bồi thường đúng theo quy định nhưng không được nên năm 2017 bà Đẻo đã khởi kiện. Đến tháng 9-2023 TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án phúc thẩm.

Theo bản án, thời điểm thu hồi đất (năm 2008) UBND TP.HCM đã ban hành bảng giá đất năm 2008 nhưng UBND huyện vẫn áp dụng bảng giá đất năm 2007 để áp giá bồi thường là trái pháp luật. Bà Đẻo nhiều lần yêu cầu trả tiền bồi thường nhưng UBND huyện Củ Chi không thực hiện. 

Đến năm 2014 huyện Củ Chi mới ra quyết định bồi thường nhưng vẫn áp dụng bảng giá đất năm 2007 là trái quy định pháp luật. Từ đó tòa đã tuyên hủy quyết định bồi thường và quyết định giải quyết khiếu nại để UBND huyện Củ Chi ban hành lại quyết định bồi thường xem xét lại giá đất đúng theo quy định.

Dù bản án phúc thẩm có hiệu lực và bà Đẻo đã gửi đơn yêu cầu thi hành án nhưng từ tháng 9-2023 đến nay UBND huyện Củ Chi vẫn chưa thi hành. "Vất vả bao nhiêu năm khiếu nại, kiện tụng, cứ ngỡ có bản án phúc thẩm thì huyện phải thi hành ngay, khôi phục quyền lợi cho người bị thu hồi đất, tòa cũng có quyết định buộc thi hành mà huyện vẫn chưa thi hành", đại diện của bà Đẻo nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Mai (quận Tân Phú, TP.HCM) có 21,5ha đất nhận khoán trồng rừng đã bị UBND huyện Bình Chánh thu hồi năm 2018 cho dự án Nông trường Láng Le. Do không đồng ý với mức tính bồi thường, hỗ trợ cây trồng, ông Mai khởi kiện.

Tháng 9-2020 tòa án xử sơ thẩm và bản án có hiệu lực pháp luật tuyên hủy quyết định của huyện, buộc huyện bồi thường cây trồng, hoa màu theo quy định. Tuy nhiên đến nay đã bốn năm huyện chưa thực hiện.

Khiếu nại, tố cáo chính quyền không thi hành

Nhiều trường hợp người dân vì quá bức xúc việc cơ quan nhà nước không chịu thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật nên đã "ôm" bản án thắng kiện vất vả đi khiếu nại, tố cáo.

Điển hình như ông Trần Châu Hườn (83 tuổi, quận Bình Thạnh) khiếu nại về việc nhà hàng xóm chiếm đất, xây dựng không phép. Năm 2010 tại quyết định giải quyết tranh chấp của UBND quận Bình Thạnh và quyết định của UBND TP.HCM (năm 2013 UBND TP công nhận phần đất bị lấn chiếm thuộc quyền sử dụng của ông Hườn). 

Sau đó người hàng xóm kiện quyết định của UBND quận Bình Thạnh và UBND TP ra tòa. Sau nhiều lần xét xử, năm 2020 ông Hườn đã có bản án hành chính phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM bác yêu cầu của người khởi kiện.

Sau đó ông Hườn nhiều lần đề nghị UBND quận Bình Thạnh thực hiện cưỡng chế đối với phần công trình xây dựng không phép và phần đất đang bị bà D. chiếm dụng. Đến tháng 3-2023 quận Bình Thạnh trả lời ông Hườn rằng do chưa có sự thống nhất về bản đồ hiện trạng vị trí dẫn đến việc quận chưa thể thi hành bản án và quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực. Đến tháng 6-2023 UBND quận tiếp tục báo cho ông Hườn biết việc quận tiếp tục xin ý kiến hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.

"Tôi đã gửi nhiều đơn đến HĐND TP, đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội... Tuy nhiên đến nay bản án vẫn chưa được quận thi hành. Kể từ khi khiếu nại việc chiếm dụng đất năm 2007 đến khi có bản án phúc thẩm, đến nay tôi vẫn phải ròng rã khiếu nại việc thi hành án khi tôi đã tuổi cao sức yếu", ông Hườn bức xúc.

Còn ông Nguyễn Ngọc Đồng (69 tuổi) thời gian qua cũng đã gửi đơn tố cáo chủ tịch UBND phường Linh Trung (TP Thủ Đức) vi phạm công vụ vì không tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao tại quyết định cưỡng chế số 116 (ngày 4-1-2023) của chủ tịch UBND TP Thủ Đức ban hành sau khi có bản án hành chính có hiệu lực.

Năm 2009, ông Đồng phát hiện hàng xóm là bà T.T.P. xây dựng dãy nhà trọ lấn chiếm hẻm chung nên kiện ra tòa. Ông Đồng cũng kiện UBND quận Thủ Đức (cũ) đề nghị tòa buộc UBND quận phải trả lời khiếu nại của ông và cưỡng chế công trình lấn hẻm. 

Tháng 8-2020, TAND TP.HCM ra bản án buộc UBND quận Thủ Đức phải thực hiện nhiệm vụ công vụ theo quy định của pháp luật. Căn cứ bản án có hiệu lực pháp luật, tháng 1-2023 chủ tịch UBND TP Thủ Đức ban hành quyết định số 116 cưỡng chế buộc bà T.T.P. phá dỡ phần công trình lấn hẻm và giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND phường tổ chức thực hiện việc cưỡng chế.

Trao đổi Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Trí - chủ tịch UBND phường - cho hay mới đây phường đã báo cáo cho TP Thủ Đức về việc hoàn tất việc tháo dỡ diện tích lấn hẻm theo bản án và chỉ đạo của UBND TP Thủ Đức. Theo ông Trí, trước đây do nhầm lẫn nên cơ quan chức năng cấp phép xây dựng cho bà P. chồng ranh lên hẻm chung nên bà P. xây dựng thì ông Đồng khiếu nại. Nay phường đã tổ chức cho hộ bà P. tháo dỡ phần diện tích lấn hẻm theo bản án có hiệu lực pháp luật.

Quy trình thi hành và giám sát thi hành án hành chính

Không giống như án dân sự sẽ do cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định cưỡng chế thi hành, án hành chính có đặc thù riêng và quy trình thi hành án hành chính cũng khác, được quy định trong Luật Tố tụng hành chính và nghị định 71/2016.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người phải thi hành án (cơ quan hành chính nhà nước) nhận được bản án đã có hiệu lực pháp luật thì phải tự nguyện thi hành án. Hết hạn tự nguyện thi hành án thì người được thi hành án (cá nhân, tổ chức thắng kiện) được quyền yêu cầu tòa án xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành án trong thời hạn một năm. Quyết định này của tòa án ngoài gửi cho người phải thi hành án, người được thi hành án thì được gửi cho thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án, viện kiểm sát cùng cấp (để kiểm sát), cơ quan thi hành án dân sự (để theo dõi).

***********

>> Kỳ 2: Vất vả thắng kiện cũng như không

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020