Chuyên mục  


Ông Trần Tùng, 46 tuổi, cựu phó giám đốc sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên là người duy nhất trong 17 bị cáo tại vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn hai, bị truy tố hai tội: Nhận hối lộLợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo cáo trạng, ông Tùng khi đương chức, được giao làm đầu mối tổng hợp danh sách, hồ sơ của các doanh nghiệp có nhu cầu đưa công dân về nước và cách ly tại tỉnh.

Cuối năm 2020, ông Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, bị phạt 30 tháng tù trong giai đoạn một vụ án vì Nhận hối lộ) liên hệ với ông Tùng, đề nghị tạo điều kiện cho công dân từ Nhật về cách ly tại Thái Nguyên.

>>Danh sách 17 bị cáo

Bị cáo Trần Tùng, cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, sáng 24/12. Ảnh: Phạm Dự

Đầu tháng 3/2021, ông Tùng chủ động gọi điện cho đại sứ Nam thông báo đã có địa điểm cách ly, đề nghị gửi công điện về UBND tỉnh. Trước khi gửi công điện, ông Nam đã móc nối cho Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty Nhật Minh, bị phạt 27 tháng tù trong giai đoạn 1 vì Đưa hối lộ) để liên hệ, hẹn gặp tại một nhà hàng ở thành phố Thái Nguyên...

Trước nội dung cáo trạng trên, HĐXX yêu cầu ông Tùng trình bày rõ nội dung thỏa thuận giá cả từ sau cuộc gặp này, song ông Tùng nói "cáo trạng đã nêu".

Chủ tọa Nguyễn Xuân Văn cho hay đây là phiên xét xử công khai, "cáo trạng truy tố thế nào là một chuyện, còn tòa hỏi thế nào là chuyện khác".

Ông Tùng khi này thừa nhận, trong cuộc gặp đã thống nhất mình sẽ lo mọi thủ tục để tỉnh Thái Nguyên chấp thuận cách ly khách trên chuyến bay của Nghĩa. Đồng thời, Nghĩa phải cho Công ty Sen vàng Đất Việt của bị cáo Trần Thị Quyên thực hiện việc cách ly tại tỉnh, với chi phí trọn gói 18 triệu đồng/khách.

Nhưng khi ký hợp đồng, ông Tùng yêu cầu Nghĩa chỉ được ghi 10-12 triệu đồng/khách, số tiền chênh lệch 6-8 triệu đồng còn lại, ông sẽ hưởng. Ông Nghĩa nói giá "quá cao" xin giảm nhưng không được đồng ý, theo cáo trạng.

Kết quả, Công ty Nhật Minh đưa tổng số 668 người về cách ly tại tỉnh Thái Nguyên. Ông Tùng hưởng 4,4 tỷ đồng "chiết khấu" qua tài khoản người thân. Như vậy, mỗi khách về Thái Nguyên cách ly, Công ty Nhật Minh phải "chi" cho ông Tùng 6,6 triệu đồng. Đây là sai phạm khiến ông bị truy tố tội Nhận hối lộ.

Theo cáo buộc của VKS, hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của ông Tùngxảy ra trong giai đoạn "làm ăn" với Công ty Fujitravell (Nhật Bản) của bà Bùi Thị Kim Phụng.

Bà Phụng bán vé trọn gói cho công dân, thuê tàu bay đưa công dân từ Nhật Bản đến sân bay Nội Bài; chuyển tiền để Quyên đón công dân từ sân bay về và thực hiện dịch vụ cách ly cho công dân.

Nhà chức trách cáo buộc ông Tùng đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, hướng dẫn bà Phụng mượn hai pháp nhân công ty, xin và được Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đồng ý cho phép thực hiện các chuyến bay.

Về lý do bà Phụng phải mượn pháp nhân hai công ty khác, ông Tùng khai "không biết", đã được chủ tọa phân tích, do Phụng không có pháp nhân công ty tại Việt Nam. Ông Tùng nghe xong, đáp "khi đó không nhận thức được sai".

Trong "phi vụ" với bà Phụng, ông Tùng bị cáo buộc hưởng lợi 3,2 tỷ đồng từ 1.400 công dân từ Nhật bản về Thái Nguyên cách ly (trung bình 2,2 triệu đồng/khách).

"Khi kết nối với Nghĩa và Phụng, bị cáo có nghĩ là lãi không mà làm?", chủ tọa hỏi. Cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ thừa nhận coi việc công dân về tỉnh mình cách ly "là cơ hội để kiếm thêm thu nhập, mong muốn có lãi".

"Tại sao biết sẽ có lãi?", chủ tọa truy vấn. Ông Tùng đáp ngập ngừng "bị cáo trực tiếp đi hỏi các đầu mối trong tỉnh, khảo giá từng đơn vị một". Ông thừa nhận, biết mỗi công dân cách ly sẽ có những loại chi phí nào, trong khoảng giá nào, từ đó tính ra được cần ra giá bao nhiêu với doanh nghiệp để có lãi.

Bị cáo Quyên, người nhận tiền từ doanh nghiệp sau đó chuyển lại chênh lệch cho Tùng, thừa nhận các cáo buộc và cho hay được hưởng lợi 300 triệu đồng.

Ngoài ra, kết thúc các chuyến bay, ông Tùng cũng thừa nhận chỉ đạo Quyên chuyển 200 triệu đồng chúc Tết Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên - Nguyễn Đình Việt song ông này chuyển trả.

Khi vụ án giai đoạn một và giai đoạn hai bị khởi tố, bị cáo Tùng lần lượt nhờ em trai chuyển 1,2 tỷ đồng và gần 900 triệu đồng cho Quyên, hợp thức việc để tiền ngoài hợp đồng với lý do nộp tiền thuế vào kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên.

Ông Tùng cũng bảo Quyên chuyển tiền "bồi dưỡng công tác chống dịch" cho một số cán bộ công an và Sở Y tế tỉnh. Quyên thừa nhận đã giữ lại hơn 300 triệu đồng, không chuyển cho cán bộ y tế theo lệnh của sếp Tùng.

Còn các cán bộ công an nhận "bồi dưỡng" từ Quyên, đã nộp lại tiền cho cơ quan điều tra. Họ cùng bà Phụng, người nhà Tùng, được cơ quan điều tra xác định "không đồng phạm, không có dấu hiệu tội phạm khác" nên không xử lý.

Hưởng lợi tổng 7,7 tỷ đồng từ hai sai phạm, ông Tùng đã được gia đình khắc phục 5,7 tỷ đồng.

Phiên tòa đang tiếp tục làm việc.

Phạm Dự - Thanh Lam

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020