Đại biểu Trịnh Xuân An - Ảnh: GIA HÂN
Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, nội dung nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội là có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở của tài xế khi tham gia giao thông không?
Đã uống rượu bia nhất quyết không được lái xe
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Trịnh Xuân An, ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cho biết ông ủng hộ quy định trong dự luật cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Theo ông An, quá trình thẩm tra dự luật cũng có các ý kiến bày tỏ băn khoăn về quy định này có quá khắt khe quá không?
Tuy nhiên, cần phân biệt rõ là quy định này không cấm người dân uống rượu bia, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà hàng, quán xá mà chỉ cấm người dân đã uống rượu bia thì không được lái xe.
Vấn đề này liên quan đến an toàn trật tự giao thông, an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi tham gia giao thông. Ông dẫn chứng lại đã có không ít vụ tai nạn nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng xảy ra do tài xế có uống rượu bia, say xỉn.
Cũng theo ông An, thực tế trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã quy định rõ nội dung này và thời gian qua việc thực hiện quy định uống rượu bia không lái xe đã chứng minh tính hiệu quả.
"Mỗi người có suy nghĩ, ý kiến khác nhau. Song tôi cho rằng cần phải nhất quán và tiếp tục làm quyết liệt việc tài xế đã uống rượu bia là không được lái xe.
Đây là chủ trương tốt, đang triển khai. Điều quan trọng cần làm chặt chẽ nhưng không gây ảnh hưởng, phiền hà đến người dân.
Cần nói thêm, nếu đã nói đi nhậu không thể có chuyện uống một hai giọt xong lái xe ra đường. Vì vậy, cần xác định đã uống rồi thì không lái xe mà gọi taxi, xe ôm... đi về", ông An nhấn mạnh.
Nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho hay thực tế hiện nay trên thế giới có nhiều quy định khác nhau về nồng độ cồn. Trong đó, có nước cấm tuyệt đối nhưng có nước vẫn cho một tỉ lệ giới hạn nhất định.
Tuy nhiên, ông Thanh nêu quan điểm là cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn.
"Tôi cũng thích uống chút rượu, bia trong bữa ăn, liên hoan nhưng quan điểm của tôi là phải cấm tuyệt đối tài xế uống rượu bia, có nồng độ cồn. Chỉ cần xác định có nồng độ cồn phải xử lý và tùy theo nồng độ bao nhiêu sẽ bị phạt các mức khác nhau.
Thực tế, có những nước nếu tài xế có nồng độ cồn vượt ngưỡng, dù chưa gây tai nạn, hậu quả nghiêm trọng vẫn có thể bị phạt rất nặng, thậm chí nếu tái phạm sẽ bị phạt tù", ông Thanh nói và chỉ rõ cần tiếp tục kiên trì làm quyết liệt vấn đề này.
Tránh để hiểu cứ có nồng độ cồn là vi phạm
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đề nghị nên nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm các quốc gia khác, không nên quy định nồng độ trong máu hoặc hơi thở ở mức bằng “0” để tránh tình trạng người được kiểm tra “dương tính giả” với nồng độ cồn.
Bà dẫn chứng theo nghiên cứu y học, ở trạng thái bình thường của cơ thể trong máu luôn duy trì nồng độ cồn nhất định ở mức 0,03%, hoặc có trường hợp trong cơ thể có nồng độ cồn do các yếu tố như ăn, uống các thực phẩm lên men trong dạ dày, thuốc điều trị.
Cũng theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ quy định giới hạn nồng độ trong máu hoặc hơi thở ở mức lớn hơn “0”.
Do đó, bà đề nghị điều chỉnh thành “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4mg/1 lít khí thở”.
Việc này để phù hợp với các quy định tại nghị định số 100 được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định số 123/2021 của Chính phủ và tránh điều luật bị hiểu theo hướng là cứ có nồng độ cồn là vi phạm.
Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cũng đề nghị nên có mức giới hạn về nồng độ cồn với từng loại xe, nhưng cần thấp hơn quy định trước đây. Bởi có trường hợp uống hôm trước, nếu sáng hôm sau thổi khó về bằng 0.