Nạn trộm cắp, cướp giật điện thoại đã tăng 150% ở London trong năm qua, cứ sáu phút lại có một chiếc bị đánh cắp.
Trong cuộc chiến chống loại tội phạm này, các sĩ quan của Sở Cảnh sát Metropolitan tại khu phố Waterloo & Southbank sẽ được cung cấp súng phun, có thể xịt vào kẻ trộm điện thoại để đánh dấu trong nhiều tháng.
Chất lỏng sẽ "đánh dấu" vào phương tiện, quần áo và da của người điều khiển bằng một loại DNA tổng hợp đặc biệt, cung cấp bằng chứng không thể chối cãi.
Khi cảnh sát chiếu đèn cực tím vào nghi phạm hoặc quần áo bị dính dung dịch này, chất lỏng sẽ hiện màu xanh huỳnh quang trong suốt.
Cảnh sát hy vọng rằng loại súng phun có thể giúp nhận dạng nghi phạm này sẽ ngăn chặn nạn cướp giật điện thoại đang gia tăng. Ảnh: SelectaDNA
Tài khoản X của Cảnh sát Metropolitan cho biết: "Đây là một phần trong nỗ lực của chúng tôi nhằm giảm thiểu và giải quyết nạn giật điện thoại trên khắp khu vực. Chúng tôi sẽ sử dụng tính năng này ở những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng giật điện thoại. Chất lỏng nhận dạng đặc biệt có thể đánh dấu trên da và quần áo của nghi phạm và cho phép chúng tôi liên kết nghi phạm với tội ác".
Bên cạnh đó, chó nghiệp vụ có thể được huấn luyện để phát hiện các vết đánh dấu và tìm ra tội phạm.
Nghi phạm đi xe gắn máy có thể bị súng phun bắn dung dịch nhận dạng vào người sau khi giật điện thoại của người đi bộ. Ảnh: Met Police
Cảnh sát Metropolitan đang tăng cường tập trung vào tình trạng trộm cắp điện thoại.
Chỉ huy Owain Richards, người đứng đầu nhóm chống trộm cướp điện thoại di động ở London, cho biết sẽ tiếp tục sử dụng dữ liệu và công nghệ để theo dõi các vật phẩm bị đánh cắp và truy tìm tội phạm. Nhà chức trách cũng làm việc với các công ty điện thoại để ngăn ngừa khả năng tái sử dụng và bán lại thiết bị, đồng thời tìm cách xóa bỏ thị trường tiêu thụ điện thoại ăn cắp.
Cảnh sát khuyến khích người dân báo cáo ngay lập tức khi là nạn nhân của hành vi trộm cắp điện thoại di động, để có thể điều tra nhanh chóng.
Tuệ Anh (Theo Metro)