Ngày 3/3/2005, một phụ nữ ở quận Vu Hồng, thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, bị một kẻ đập búa vào đầu bất tỉnh, cướp tài sản. Cảnh sát lập hồ sơ điều tra nhưng chưa có kết quả.
Sau đó, ngày càng nhiều vụ tương tự xảy ra ở các quận Hoàng Cô, Thiết Tây, Hòa Bình. Cách thức phạm tội của những vụ án này rất giống nhau. Thời gian gây án thường từ 7h30 đến 11h30, nạn nhân là phụ nữ trong độ tuổi 20-50. Tính chất tàn ác của các vụ án gây tâm lý hoảng loạn trong người dân thành phố. Nhiều phụ nữ bảo nhau đội mũ bảo hiểm khi đi làm.
Các nạn nhân sống sót cho biết kẻ tấn công tuổi ngoài 30. Từ giữa năm 2006, bức phác họa chân dung "quỷ búa" do chuyên gia vẽ theo mô tả của nạn nhân và nhân chứng được phân phát rộng rãi ở nhiều đồn cảnh sát, tuy nhiên không có kết quả.
Ngày 13/2/2007, ngay trước đêm 30 Tết, một phụ nữ trung niên bị đánh vào đầu bằng búa trên chiếu nghỉ cầu thang tầng hai của tòa nhà ở quận Hoàng Cô. Chiều hôm đó, một phụ nữ khác cũng sống ở quận này bị đánh ngất khi đi cầu thang bộ lên nhà, túi xách bị cướp. Những vụ án liên tiếp xảy ra gây bầu không khí hoảng loạn dịp cuối năm, đồng thời gây áp lực lớn cho cảnh sát.
Tính đến 13/2, trong vòng hai năm đã có hơn 20 vụ tấn công bằng búa khiến 4 nạn nhân thiệt mạng, nhiều người trọng thương và bị biến chứng liệt nửa người, tổn thương thần kinh.
Ngày 14/2/2007, một ngày sau vụ cướp mới nhất, Công an tỉnh Liêu Ninh thành lập hai tổ chuyên án ở Thẩm Dương và An Sơn để điều tra vụ án. Hơn 10.000 cảnh sát được huy động tuần tra, mai phục tại các khu dân cư giữa kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo cảnh sát, hung thủ trang bị vũ khí cùn và dùng thủ đoạn bám đuôi, chặn đường, mai phục để cướp tài sản phụ nữ đi một mình. Hắn thường chọn mục tiêu ở khu dân cư không khép kín hoặc an ninh kém.
Khi xem xét kỹ hồ sơ liên quan của hơn 20 nạn nhân, một người đàn ông từng hai lần lọt vào tầm ngắm nhưng không đủ bằng chứng bắt giữ một lần nữa thu hút sự chú ý của cơ quan điều tra.
Đó là Cao Hoành Vĩ, 41 tuổi, sống ở quận Thiết Tây, có bằng tốt nghiệp cao đẳng khoa luật và được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.
Vĩ từng là luật sư của một công ty luật ở Thẩm Dương. Tháng 6/2000, anh ta bị kết án hai năm tù nhưng được hưởng án treo và bị tước chứng chỉ hành nghề luật sư vì tội làm giả bằng chứng.
Năm 2005 và 2006, Vĩ là nghi phạm trong các vụ cướp của bằng búa vì có tiền án và sống gần hiện trường. Anh ta bị điều tra hai lần. Tuy nhiên, từng là luật sư và thông thạo luật, có tố chất tâm lý vững vàng, trong hai lần thẩm vấn Vĩ không lộ bất kỳ sai sót nào. Cảnh sát cũng không tìm được bằng chứng để kết tội nên anh ta được thả.
Ngày 16/2, tổ chuyên án truy dấu Vĩ và bí mật theo dõi hai nơi cư trú của anh ta. Họ xác định Vĩ là nghi phạm số một vì phát hiện anh ta sử dụng đèn pin giống hệt chiếc nạn nhân đánh mất sau khi bị cướp ở Thiết Tây. Vĩ bị bắt ngày 21/2/2007.
Ở ban công nhà Vĩ, cảnh sát tìm thấy bốn loại búa khác nhau, trong đó có chiếc búa nhỏ đã bị gãy. Ngoài ra còn có 5 túi xách nữ, 7 điện thoại di động, hơn 10 thẻ ngân hàng, tiền mặt, máy tính, đèn pin và các đồ vật khác. Tại một nơi ở khác của Vĩ, cảnh sát tìm thấy thêm 7 túi xách nữ giấu dưới giường.
Cao Hoành Vĩ bị bắt vào tháng 2/2007. Ảnh: Sina
Khi bị bắt, Vĩ rất bình tĩnh. Anh ta nhanh chóng khai nhận hành vi phạm tội.
Vĩ nói đã sử dụng cả bốn chiếc búa để gây án, búa đầu tròn dài khoảng 15 cm là chiếc được sử dụng thường xuyên nhất. Theo cảnh sát, loại búa này "chỉ cần dùng lực mạnh một chút cũng có thể đập vỡ hộp sọ nạn nhân". Tuy nhiên chiếc búa này không thể được tìm thấy, Vĩ nói luôn ném hung khí xuống sông, khi nào cần thì lại mua hoặc tự chế.
Tổng số tiền mặt và tài sản Vĩ cướp được chưa đến 10.000 nhân dân tệ. Hầu hết nạn nhân là phụ nữ làm thuê nghèo hoặc những bà nội trợ, chỉ mang theo vài chục đến vài trăm nhân dân tệ.
"Tôi lấy búa đập người khác không hoàn toàn chỉ vì tiền mà còn là cách tôi trút giận... Tôi căm ghét xã hội này! Đôi khi tôi ra tay nặng hay nhẹ phụ thuộc vào tâm trạng ngày hôm đó. Nếu tâm trạng không tốt thì đánh thêm vài phát", Vĩ bình tĩnh nói khi đang bị còng tay.
Theo cảnh sát, Vĩ chọn cách gây án mất nhân tính bằng búa để vừa kiếm được tiền vừa giải tỏa nỗi bất mãn trong lòng. Vĩ giải thích bi kịch cuộc đời anh ta bắt nguồn từ một vụ hiếp dâm trẻ em xảy ra ở Thiết Tây vào tháng 3/2000.
Năm đó, Thời Huy, công nhân nhập cư 39 tuổi đến từ tỉnh Sơn Đông, bị bắt vì nhiều lần cưỡng hiếp một cô bé bị thiểu năng trí tuệ chưa đầy 14 tuổi. Gia đình Huy dùng số tiền lớn mời luật sư biện hộ giúp hắn thoát tội. Vĩ, khi đó 34 tuổi, được công ty luật chỉ định làm luật sư bào chữa trong vụ án.
Vĩ nghĩ ra cách dùng tiền hối lộ cha con nạn nhân để họ rút đơn kiện, soạn lời khai giả cho họ. Vì 2.000 nhân dân tệ, bố nạn nhân viết lời khai theo ý Vĩ rồi cho con gái chép lại với nội dung: "Tôi còn quá nhỏ, thiếu hiểu biết, đã quan hệ tình dục với một số người, bố mẹ phát hiện nên đánh tôi, tôi không còn cách nào khác nên phải nói đã quan hệ với Huy. Anh Huy là người tốt, tôi không quan hệ tình dục với anh ấy". Sau đó, Vĩ đến trại giam cho Huy xem lời khai giả.
Ngày 14/6, trên phiên tòa xét xử, Huy rút lại lời thú tội, nói bị tra tấn ép cung. Vĩ cũng đưa ra lời khai giả của nạn nhân. Tòa phải trả lại hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung. Trước cảnh sát, cha con nạn nhân khai nhận toàn bộ quá trình làm giả lời khai. Vĩ cố đổ tội cho gia đình Huy và bố nạn nhân nhưng không thành. Anh ta bị bắt ngay tại tòa ngày hôm sau.
Vĩ thú nhận bị mờ mắt vì lợi ích tiền tài và hy vọng nâng cao danh tiếng trong nghề luật. Ngày 16/11/2000, Vĩ bị tòa kết án hai năm tù nhưng được hưởng án treo, tước chứng chỉ hành nghề luật sư.
Sau vụ việc, vợ Vĩ đệ đơn ly hôn, bỏ lại con trai. Vĩ không có việc làm cố định, phải sống dựa vào bố mẹ già. Mất việc, gia đình tan vỡ, tâm lý của Vĩ dần mất cân bằng, cuối cùng phát triển thành tư tưởng trả thù xã hội, dấn thân vào con đường phạm tội.
Trong quá trình thẩm vấn, Vĩ thú nhận gây ra 27 vụ cướp từ năm 2005. Anh ta nói không biết đã giết bao nhiêu người, "tuy nhiên cứ bốn hoặc năm lần hành động thì chắc phải có một người chết".
Nhà Vĩ ở Thiết Tây, cách một đoạn đường là đến Vu Hồng. Năm 2005, Vĩ thường xuyên phạm tội ở Vu Hồng, sau đó bị cảnh sát quận này điều tra nên thay đổi địa điểm phạm tội thành Thiết Tây. Năm 2006, Vĩ lại bị cảnh sát quận Thiết Tây điều tra nên nhanh chóng chuyển địa điểm gây án đến Hoàng Cô và Hòa Bình, thậm chí còn xuất hiện ở thành phố An Sơn.
Vĩ giải thích chủ yếu nhắm vào quận Hoàng Cô, Thiết Tây và Vu Hồng vì có nhiều tòa nhà cũ, hẻo lánh.
Về cách thức gây án, Vĩ nói thường trốn ở tầng một hoặc tầng trên cùng chờ đợi trong vài giờ. Khi nghe thấy tiếng bước chân đơn độc lên xuống cầu thang, anh ta vờ vừa đi vừa nghe điện thoại, tiếp cận nạn nhân. Khi ngang qua, thấy đó là nam giới, Vĩ sẽ bỏ đi, nếu là phụ nữ thì nhân lúc đối phương quay người sẽ lấy búa giấu sẵn trong tay áo đánh vào đầu nạn nhân, sau đó lục lọi để lấy tiền, túi xách, ví rồi bỏ trốn. Hắn thường ra tay ở chiếu nghỉ tầng hai hoặc tầng ba để dễ bề trốn thoát sau khi xong việc. Trong quá trình gây án Vĩ chưa bao giờ nói một lời nào với nạn nhân.
Trong hai năm phạm tội, Vĩ luôn sống hai mặt. Với con trai, anh ta thể hiện là người cha tốt, đưa đón và dạy kèm con làm bài tập. Trong mắt bố mẹ, Vĩ là người con hiếu thảo, tối nào cũng về nhà sớm, làm việc chăm chỉ mà không kêu ca.
Khi chờ đợi xét xử, ngày 18/10/2007, Vĩ chết bệnh trong tù.
Tuệ Anh (Theo Sohu, 163, Sina)