Ảnh minh họa
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu quế của Việt Nam trong tháng 11 đạt hơn 10,7 nghìn tấn với trị giá hơn 28,8 triệu USD, tăng 5,8% về lượng so với tháng 10. Ấn Độ và Mỹ là 2 thị trường xuất khẩu quế chính của Việt Nam với tỷ trọng lần lượt là 41,2% và 11,7%.
Lũy tiến kể từ đầu năm đến hết tháng 11, Việt Nam xuất khẩu được 90.270 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 249,2 triệu USD, tăng 10,2% về lượng và tăng 4% về kim ngạch. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu bao gồm: Prosi Thăng Long, gia vị Sơn Hà, Tuấn Minh, Senspice Việt Nam và Olam Việt Nam.
Cũng trong 11 tháng đầu năm, các thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam bao gồm: Ấn Độ đạt 31.829 tấn, Mỹ đạt 9.867 tấn và Bangladesh đạt 7.536 tấn.
Theo số liệu từ Tridge, sản lượng quế của 4 nhà sản xuất lớn nhất thế giới lần lượt là Indonesia đạt sản lượng 89.000 tấn, Trung Quốc 82.000 tấn, Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu về sản lượng quế với 41.000 tấn, Srilanka đạt 24.000 tấn.
Có thể thấy Việt Nam chỉ có sản lượng quế khoảng 41.000 tấn/năm, chỉ bằng 1/2 so với Trung Quốc và Indonesia tuy nhiên hiện nước ta đã dẫn đầu thế giới về kim ngạch xuất khẩu quế. Năm 2022, quế Việt Nam chiếm 18,2% về sản lượng nhưng chiếm 34,4% về thị phần xuất khẩu quế toàn cầu với kim ngạch đạt trên 292 triệu USD.
Tổng diện tích trồng ở nước ta hiện nay khoảng 180.000ha, chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Yên Bái là tỉnh có diện tích trồng quế lớn nhất cả nước với hơn 80.000ha, chiếm tới 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh. Hằng năm, sản lượng vỏ quế khai thác đạt khoảng 18.000 tấn; cành và lá quế hơn 85.000 tấn; gỗ quế (tận thu sau khai thác) đạt 200.000m3.
Cây quế có nhiều tác dụng trong sản xuất và cuộc sống như sử dụng làm gia vị, làm hương liệu, làm thuốc chữa bệnh, sử dụng để chế biến thức ăn, nuôi gia súc, gia cầm hoặc sử dụng làm phân bón…Các bộ phận của cây đều được khai thác tối ưu từ lá, vỏ, cành và lấy gỗ.
Theo đánh giá từ VPA, cây quế còn nhiều dư địa bởi nhu cầu từ các thị trường chất lượng cao như Mỹ, châu Âu không ngừng tăng lên. Bên cạnh đó, Việt Nam còn hưởng lợi từ nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, Hiệp định VPA/FLEGT. Nhiều loại thuế suất, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ được giảm hoặc xóa bỏ.
Với đặc thù của ngành quế, các đơn vị chủ yếu hoạt động theo mô hình gia đình, sản xuất nhỏ. Nguồn lực tài chính cũng như khoa học công nghệ hạn chế. Do đó, dù được đánh giá là cây có giá trị kinh tế cao, quế tại Việt Nam chỉ dừng ở mức 40 triệu đồng/ha/năm về giá trị sản xuất.
Để đẩy mạnh xuất khẩu quế trong tương lai, các chuyên gia cũng lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu quế trong nước về mức tồn dư kim loại nặng. Để thích ứng với yêu cầu này, từ người dân đến HTX, doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời đẩy mạnh việc canh tác quế theo hướng hữu cơ để phát triển bền vững.