Chuyên mục  


Ngày 21/5/2020, Trần Xuân Tú, sinh năm 1984, ở huyện Quan, tỉnh Sơn Đông, đăng nhập trang web của Bộ Giáo dục để tra cứu văn bằng. Khi nhìn thấy thông tin hồ sơ học tập, Tú bị sốc.

Màn hình hiển thị Tú nhập học Đại học Công nghệ Sơn Đông vào tháng 9/2004, tốt nghiệp vào tháng 7/2007 với tấm bằng cao đẳng chuyên ngành kinh tế và thương mại quốc tế. Nhưng cô chưa bao giờ học trường này. Xem ảnh trên trang web, Tú thấy không phải mình nên nghĩ đó là sự nhầm lẫn vì cùng họ tên.

Tuy nhiên, Tú nhanh chóng nhận thấy điều kỳ lạ vì ngoại trừ ảnh không phải cô thì các thông tin cá nhân hiển thị trong hồ sơ đều là của cô, bao gồm dân tộc, ngày sinh và số chứng minh thư. Ngoài ra, Đại học Công nghệ Sơn Đông cũng là một trong những nguyện vọng của Tú khi tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2004.

Năm đó, Tú đạt 546 điểm, kém 3 điểm so với điểm chuẩn ban khoa học tự nhiên hệ đại học ở tỉnh Sơn Đông, nhưng cao hơn 27 điểm so với điểm chuẩn hệ cao đẳng. Theo lẽ thường, điểm số của Tú dư sức vào hệ cao đẳng của Đại học Công nghệ Sơn Đông, nhưng cô không nhận được thông báo.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi điền phiếu đăng ký nguyện vọng, Tú để lại số điện thoại và địa chỉ của nhà hàng xóm. Cô hỏi nhiều lần nhưng họ nói không nhận được giấy báo nhập học.

Đợi từ tháng 7 đến tháng 10, các trường đại học đã lần lượt khai giảng nhưng Tú vẫn chưa nhận được giấy báo nên nghĩ mình chắc chắn trượt, cũng không nghĩ đến việc xác minh kết quả. Không ngờ 16 năm sau, thông tin hồ sơ học tập của Tú lại thuộc về một cô gái không quen biết.

Chồng Tú liên hệ với văn phòng tuyển sinh của Đại học Công nghệ Sơn Đông nhờ xác minh. Đến ngày 22/5, họ trả lời rằng Tú được nhận vào trường qua kỳ thi năm 2004, giấy báo đã được gửi đi. Nhưng vấn đề là Tú chưa từng nhìn thấy giấy báo này. Để điều tra, văn phòng tuyển sinh cử người về quê Tú, sau đó xác nhận lý do Tú không nhận được giấy báo là vì đã bị người khác mạo danh, thay thế.

Ngày 27/5, Tú đến cơ quan công an địa phương để trình báo vụ việc nhưng được yêu cầu viết bản tự thuật trước để họ xem xét.

Hôm sau, cô đến trường cấp ba Võ Huấn từng theo học để tra cứu thông tin, phát hiện hồ sơ học bạ đã bị rút nhưng không được ghi chép lại. Năm đó, Tú tưởng mình thi trượt nên không đến trường lấy hồ sơ.

Trong khi đó, việc rút hồ sơ cần thông qua quy trình nghiêm ngặt, phải do chính chủ mang theo thẻ dự thi và giấy báo nhập học mới có thể rút. Các giấy tờ quan trọng, bao gồm thẻ dự thi, luôn được Tú cất giữ cẩn thận và chưa bao giờ bị mất. Như vậy, kẻ mạo danh đã làm thế nào để rút được hồ sơ?

Sau khi chạy khắp nơi, Tú không thu được bất kỳ thông tin có giá trị nào, thậm chí còn bị phòng giáo dục và đào tạo huyện Quan yêu cầu "chứng minh bản thân là Trần Xuân Tú".

Lúc này, người thân của kẻ mạo danh đứng ra làm trung gian đề nghị gặp Tú để giải thích mọi chuyện. Ngày 10/6, Tú gặp người đàn ông tên Hứa Diên Quân, tự nhận là nhân viên của văn phòng cấp xã ở địa phương, được kẻ mạo danh ủy thác thương lượng sự việc. Qua người này, Tú được biết kẻ mạo danh cô là Trần Diễm Bình, sinh năm 1986, có bố từng giữ chức vụ ở cục thương mại thành phố sau đó mở công ty xây dựng công trình.

Hứa Diên Quân cho biết kết quả thi đại học của Bình không tốt, kém hơn Tú nhiều. Bố Bình chi 2.000 nhân dân tệ để mua bộ hồ sơ của Tú qua trung gian. Tú không đồng ý với lời giải thích này vì không tin rằng bên trung gian nào có thể dễ dàng vượt qua nhiều lớp kiểm tra để rút hồ sơ của cô.

Hứa Diên Quân đề nghị giải quyết riêng với Tú, đảm bảo sẽ thỏa mãn điều kiện cô đưa ra. Nhưng Tú từ chối: "Tôi chỉ muốn biết sự thật, sự thật quan trọng hơn bất cứ thứ gì".

Trần Xuân Tú cầm thẻ dự thi cất giữ từ năm 2004. Ảnh: Sohu

Sau khi được truyền thông đưa tin, vụ việc nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp xã hội. Ngày 11/6, nhiều ban ngành địa phương phối hợp mở cuộc điều tra toàn diện. Sự thật dần hé lộ.

Theo đó, vào ngày công bố kết quả kỳ thi đại học năm 2004, Tú đạt 546 điểm, trong khi Bình, thí sinh ban khoa học xã hội dự thi cùng năm với cô, chỉ đạt 303 điểm. Điểm của Tú cao hơn điểm chuẩn hệ cao đẳng 27 điểm, trong khi điểm của Bình thấp hơn 243 điểm, không có hy vọng thi đậu.

Bố Bình là Trần Cự Bằng và cậu là Trương Phong (khi ấy giữ chức xã trưởng), nảy ý tưởng mạo danh để cho Bình lên đại học. Cả hai phối hợp với chủ nhiệm phòng tuyển sinh huyện Quan lúc đó, người này chọn Tú để mạo danh rồi in thẻ dự thi của cô. Tú bị lựa chọn vì cùng họ Trần, cùng nguyện vọng và có hoàn cảnh khó khăn.

Sau đó, họ dò hỏi được tin Đại học Công nghệ Sơn Đông đã gửi giấy báo nhập học, ông Bằng lập tức đến bưu điện huyện, nói dối là đến nhận giấy báo của con gái để lấy trước khi nó đến tay Tú.

Chủ nhiệm phòng tuyển sinh lợi dụng chức vụ giúp ông Bằng lấy được hồ sơ học bạ của Tú. Tiếp theo, ông Phong nhờ cậy hiệu trưởng trường Võ Huấn ngụy tạo bằng tốt nghiệp cấp ba thành tên của Tú nhưng ảnh của Bình, thay vào hồ sơ đánh cắp.

Tháng 8/2004, ông Phong giả vờ có cháu gái đỗ đại học nhưng bị mất hộ khẩu, móc nối quan hệ để cảnh sát địa phương cấp giấy chứng nhận chuyển hộ khẩu giả dưới tên Trần Xuân Tú.

Vào ngày báo danh 31/8, ông Phong lại tìm người giúp Bình làm thủ tục nhập học. Vì hồ sơ chỉ được kiểm tra bằng mắt thường, thông tin của Bình rất đầy đủ và giống như thật nên nhà trường không phát hiện điều bất thường.

Tháng 7/2007, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, Bình tiếp tục làm giả sổ hộ tịch tên Trần Xuân Tú. Tháng 10 cùng năm, do quản lý lỏng lẻo, Bình tham gia kỳ thi vào phòng kiểm toán cấp xã với danh tính giả và được tuyển dụng. Trong quá trình công tác, Bình không bao giờ dám tiết lộ tên thật, luôn sử dụng tên của Tú.

Đến tận khi lời nói dối bị vạch trần, Bình vẫn không hề liên lạc với Tú, thậm chí một câu xin lỗi cũng không có. Bình còn từng đổ trách nhiệm cho người mợ quá cố, nói rằng hồ sơ nhập học đều do mợ tìm trung gian lo liệu.

Khi sự thật được đưa ra ánh sáng, tổng cộng 46 người chịu trách nhiệm về vụ việc đều bị pháp luật trừng phạt. Trong số đó, Bình bị hủy mọi bằng cấp dưới tên Trần Xuân Tú, đuổi việc và bị cơ quan công an lập hồ sơ điều tra. Ông Bằng, ông Phong và các công chức, viên chức liên quan bị điều tra, phạt cách chức, giáng chức, cắt giảm lương hưu và chế độ chính sách...

Nhưng những hình phạt này không thể lấy lại được cuộc đời bị đánh cắp của Tú.

Tú là con nhà nông, đến năm 2019 gia đình mới thoát nghèo. Dù hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ Tú vẫn kiên quyết cho con gái đi học để thay đổi vận mệnh. Tú hiểu rõ điều này nên luôn chăm chỉ học tập, thành tích đạt loại khá.

Sau khi có kết quả thi, vốn tưởng có thể vào được Đại học Công nghệ Sơn Đông, nhưng vì kẻ mạo danh Trần Diễm Bình mà Tú mất đi cơ hội, luôn tự trách vì thi trượt. Để không thêm gánh nặng cho gia đình, cô không ôn thi lại mà đi làm công nhân nhà máy và nhân viên phục vụ nhà hàng, lương tháng trên dưới 1.000 nhân dân tệ. Sau khi kết hôn, Tú trở về huyện Quan làm cô giáo mầm non.

Để thực hiện "giấc mơ đại học", tháng 10/2019, Tú tham gia kỳ thi đại học hệ đào tạo từ xa và đỗ vào Đại học Sư phạm Khúc Phụ. Sau đó cô phát hiện bị mạo danh suốt 16 năm.

Tú từng bày tỏ mong muốn được đi học lại tại Đại học Công nghệ Sơn Đông như nguyện vọng năm nào, nhà trường cũng thể hiện thiện chí giúp đỡ, nhưng cuối cùng Tú lựa chọn học chuyên ngành giáo dục tiểu học của Đại học Sư phạm Khúc Phụ.

Trần Xuân Tú không phải trường hợp duy nhất bị mạo danh, thế chỗ học đại học ở Trung Quốc. Sau vụ việc, tỉnh Sơn Đông công bố thông tin phát hiện 242 người ở 14 trường đại học có nghi vấn mạo danh trong năm 2018-2019.

Dưới tác động của những vụ việc tương tự liên tiếp bị phanh phui, "tội mạo danh, thay thế người khác" được đưa vào Bộ luật Hình sự nước này vào năm 2020. Theo đó, người có hành vi ăn cắp hoặc mạo nhận danh tính, thay thế người khác để được vào đại học, được tuyển dụng làm công chức, viên chức hay được đơn vị phân công công tác, sẽ bị phạt không quá ba năm tù, giam giữ hoặc quản chế, đồng thời bị phạt tiền.

Tuệ Anh (Theo Toutiao, Beijing News)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020