Chuyên mục  


Sáng 12/8/2016, nhiều cảnh sát bất ngờ đến chùa Long Hưng ở huyện Phượng Dương, tỉnh An Huy, áp giải trụ trì Thích Quảng Văn lên chiếc xe màu đen. Khi bị đưa đi, Thích Quảng Văn không phản kháng, vẻ mặt bình tĩnh.

Khi bị thẩm vấn, Thích Quảng Văn thừa nhận danh tính thật và tội ác dày công che giấu suốt 16 năm.

Thích Quảng Văn bị cảnh sát áp giải lên xe. Ảnh: Beijing News

Thích Quảng Văn có tên trước khi xuất gia là Trương Lập Vĩ, sinh năm 1973, quê tỉnh Hắc Long Giang. Vĩ là con trai duy nhất trong nhà, được cưng chiều từ nhỏ nên hình thành tính cách bướng bỉnh, ngang ngược.

Năm 2000, Vĩ gây hấn với ba người, quyết không chịu bỏ qua cho những kẻ "đắc tội" mình. Ngày 8/11/2000, Vĩ dẫn đồng bọn đến một câu lạc bộ ở quận Tát Nhĩ Đồ, thành phố Đại Khánh, chuẩn bị trả thù. Anh ta mang theo khẩu súng săn và dao rựa từ nhà.

Nhìn thấy súng trong tay Vĩ, ba người đối thủ sợ hãi, gần như chịu trận. Nhóm Vĩ xông vào tấn công, chém chết cả ba tại chỗ. Vĩ mới hoảng sợ, vội chạy về nhà thú nhận mọi chuyện với bố. Dù tức giận, bố Vĩ cũng không nỡ để con trai duy nhất vào tù nên đưa cả gia đình bỏ trốn. Sau khi bắt được ba đồng phạm, cảnh sát đến nhà Vĩ thì phát hiện không còn ai.

Do công nghệ truy dấu của cảnh sát thời đó còn nhiều hạn chế, gia đình Vĩ trốn thoát đến An Huy. Khi lệnh truy nã được ban hành trên cả nước, họ phải không ngừng trốn chui trốn lủi, cho đến khi lên núi Cửu Hoa ở thành phố Trì Châu.

Mệt mỏi vì liên tục đào tẩu, thấy chùa trên núi Cửu Hoa cung cấp chỗ ở miễn phí cho khách hành hương, Vĩ tìm cách mai danh ẩn tích, ẩn náu trong chùa.

Năm 2001, Vĩ lên núi, nhưng chùa có quy định phải đăng ký thông tin cá nhân mới được vào ở. Vĩ đưa bố và chị gái đi cùng, viết tên bố trước, sau đó định viết tên giả "Tôn Hồng Đào" thì được thông báo chỉ cần đăng ký một người đại diện. Anh ta lén thở phào nhẹ nhõm. Nhà chùa không thể kiểm tra thông tin từng vị khách lưu trú mà sổ đăng ký sẽ được giao cho công an xem xét.

Vĩ được ở lại núi Cửu Hoa, một trong bốn ngọn núi Phật giáo nổi tiếng ở Trung Quốc. Không lâu sau, anh ta nảy ý tưởng xuất gia, muốn bái sư trụ trì làm thầy nhưng bị từ chối.

Để thể hiện lòng thành, Vĩ tích cực giúp đỡ các hòa thượng trong chùa làm nhiều việc như quét nhà, nấu ăn, kiểm tra vé, đồng thời nhanh chóng hòa nhập với họ, nhận được nhiều lời khen. Dù vậy, sư trụ trì vẫn luôn từ chối nhận Vĩ làm đệ tử, thậm chí sau đó còn đuổi ra khỏi chùa vì xung đột với du khách.

Rời núi Cửu Hoa, Vĩ tự cạo đầu đi tu, lấy pháp hiệu là Thích Quảng Văn. Theo quy định, người xuất gia phải được tra rõ thông tin danh tính và vượt qua hơn một năm xét duyệt, khảo hạch mới đủ tư cách. Sơ yếu lý lịch, đơn đăng ký... của người xuất gia sẽ được giao cho nhà chùa lưu trữ.

Vì cơ chế xét duyệt lúc đó chưa đủ chặt chẽ, Vĩ một lần nữa may mắn "qua cửa", được xuất gia làm hòa thượng tại chùa Long Hưng, huyện Phượng Dương. Đây là ngôi chùa có bề dày lịch sử từ thời nhà Minh và là di tích văn hóa trọng điểm của quốc gia.

Tu hành trong chùa, Vĩ không dám quên thân phận tội phạm. Vì vậy, anh ta biến mình thành tín đồ tận tụy.

Vĩ cho biết mỗi lần niệm kinh trước tượng Phật là sự giày vò, chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào Đức Phật. Anh ta không đủ can đảm đối mặt với tội ác nhưng lại cầu xin sự tha thứ và phù hộ của Đức Phật.

Như để bù đắp tội lỗi, Vĩ cố gắng làm nhiều việc thiện, nhờ đó được các hòa thượng cùng tu hành ngợi khen. Tuy nhiên, "giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời", Vĩ thấy được mọi người công nhận thì bắt đầu đắc ý, có lần lỡ miệng kể chuyện hồi trước thường đi săn, thậm chí còn rủ họ cùng đi. Sau đó, Vĩ rút kinh nghiệm, không bao giờ nhắc đến chuyện trước khi xuất gia, sợ lại tiết lộ điều gì.

Sau thời gian xây dựng hình ảnh tốt đẹp ở chùa Long Hưng, Vĩ được bầu làm quản lý. Anh ta dùng tiền công đức để trùng tu các kiến trúc đã mục nát của ngôi chùa cổ, tạo nên diện mạo mới khang trang, thu hút nhiều khách thập phương, số lượng hòa thượng đăng ký tu tập tại chùa cũng tăng từ hơn chục người lên 40 người. Thành tích này giúp Vĩ trở thành thành viên Ủy ban chính hiệp địa phương.

Vỏ bọc của Vĩ gần như không có lỗ hổng, ngoại trừ vấn đề hộ khẩu. Để giải quyết mối lo, Vĩ hối lộ những người có liên quan để xin hộ khẩu giả. Năm 2008, anh ta đăng ký thành công hộ khẩu ở thành phố Phụ Dương dưới tên Tôn Hồng Đào, một năm sau lại đổi thành thành phố Trừ Châu.

Với thân phận mới, Vĩ thấy không còn gì phải lo, bắt đầu mua nhà ở Phụ Dương cho bố và chị, thoải mái hưởng thụ.

Năm 2011, chính quyền địa phương muốn lập danh sách hòa thượng. Khi Cục Quản lý Dân tộc và Tôn giáo đến tìm, Vĩ rất hoảng sợ, nhưng sau khi thấy nhân viên thu thập thông tin không lộ vẻ nghi ngờ gì, anh ta yên tâm.

Năm 2014, thông qua bình bầu, Vĩ trở thành trụ trì chùa Long Hưng, đồng thời gia nhập Hiệp hội Phật giáo tỉnh An Huy. Vĩ dùng tiền công đức và tiền quyên góp để xây dựng các điểm tham quan văn hóa, sảnh khách và cơ sở hạ tầng khác của chùa, đồng thời cải tạo hệ thống quản lý. Các cơ quan chính phủ liên quan cũng áp dụng những đề xuất phát triển đền chùa từ mô hình chùa Long Hưng. Từ đó, danh tiếng của Vĩ được nâng cao.

Tháng 6/2015, sau khi được phát biểu tại Đại hội đại biểu Phật giáo tổ chức ở Trừ Châu, Vĩ liên tục tham dự nhiều sự kiện lớn, không hề né tránh giới truyền thông phỏng vấn, đi thuyết giảng về tư tưởng Phật giáo, thậm chí còn trở thành nhân vật được sùng bái.

Năm 2016, "đại sư Thích Quảng Văn" được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Phật giáo huyện Phượng Dương.

Thích Quảng Văn phát biểu tại Đại hội đại biểu Phật giáo ở Trừ Châu năm 2015. Ảnh: The Paper

Cùng năm 2016, Vĩ được cử sang Mỹ để học tập và giao lưu Phật pháp. Nhiều năm sống thoải mái khiến ông ta dường như quên mất quá khứ đen tối cần che đậy. Khi đi chụp ảnh và lấy dấu vân tay làm hộ chiếu, ông ta bị cảnh sát phát hiện có diện mạo giống với tội phạm truy nã.

Cảnh sát lập tức bí mật điều tra. Sau khi liên lạc với cảnh sát tỉnh Hắc Long Giang, họ xác định Thích Quảng Văn chính là kẻ sát nhân Trương Lập Vĩ và tổ chức chiến dịch bắt giữ vào ngày 12/8.

Tin tức Thích Quảng Văn là kẻ sát nhân ẩn náu 16 năm khiến nhiều hòa thượng, Phật tử ngỡ ngàng. Tại chùa Long Hưng, cái tên từng được nhiều người sùng bái bỗng chốc trở thành vết nhơ ai cũng muốn xóa bỏ.

"Tất cả đều ngạc nhiên. Tôi thấy ông ta nói giọng y hệt người bản địa, làm việc rất có trách nhiệm, ai mà ngờ lại xảy ra chuyện như vậy", một nhân viên Cục Sự vụ Dân tộc Tôn giáo huyện Phượng Dương chia sẻ.

Tại phiên tòa tháng 4/2017, Vĩ bị kết tội cố ý giết người, án 14 năm tù.

Tuệ Anh (Theo Sohu, Beijing News)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020