Văn phòng Thủ tướng Đan Mạch cho biết bà Mette Frederiksen đã triệu tập cuộc họp với lãnh đạo các đảng phái, sự kiện dự kiến diễn ra lúc 19h30 hôm nay (1h30 ngày 10/1 giờ Hà Nội).
Động thái diễn ra sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump gần đây cho rằng Mỹ nên mua đảo Greenland, lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, vì lý do "an ninh quốc gia". Tại cuộc họp báo ngày 7/1, ông Trump không loại trừ khả năng dùng sức mạnh quân sự để giành quyền kiểm soát đảo Greenland.
"Gặp mặt lãnh đạo các chính đảng sẽ giúp chúng tôi thông báo về các biện pháp mà chính phủ đã thực hiện trong vài ngày qua", Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen nói.
Ông Rasmussen khẳng định Đan Mạch chưa rơi vào "khủng hoảng chính sách đối ngoại", nhưng lưu ý kịch bản này có thể xảy ra "nếu những lời nói biến thành hành động". Ông nhấn mạnh Đan Mạch không muốn "leo thang đấu khẩu với một tổng thống đang trên đường vào Phòng Bầu dục".
"Quan điểm của tôi là đánh giá nghiêm túc lời ông Trump, nhưng không nhất thiết phải hiểu theo nghĩa đen. Chúng tôi đang nghiêm túc xem xét vấn đề", Ngoại trưởng Rasmussen nói.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen phát biểu tại Thụy Điển ngày 27/11/2024. Ảnh: AFP
Greenland là đảo lớn nhất thế giới, nằm gần Bắc Mỹ, giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương. Đảo có dân số 57.000 người và diện tích khoảng 2,16 triệu km2, rộng hơn Mexico và gấp hơn ba lần bang Texas của Mỹ.
Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Kaja Kallas hôm nay kêu gọi ông Trump "tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Greenland", nhấn mạnh đây là một phần của Đan Mạch.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cùng ngày bác bỏ đồn đoán cho rằng Mỹ có thể dùng vũ lực để kiểm soát Greenland hoặc kênh đào Panama. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot ngày 8/1 cảnh báo ông Trump về những lời lẽ đe dọa nhằm vào "biên giới có chủ quyền" của EU.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay nói Nga đang theo dõi chặt chẽ diễn biến liên quan những tuyên bố của ông Trump về kiểm soát Greenland và "cảm thấy nhẹ nhõm vì mọi chuyện mới ở mức độ lời nói". Ông Peskov đề xuất rằng nên tham khảo ý kiến người dân Greenland về những gì họ muốn.
Vị trí đảo Greenland. Đồ họa: BBC
Greenland có ý nghĩa chiến lược đối với quân đội Mỹ và hệ thống phòng thủ tên lửa của Washington, vì tuyến đường ngắn nhất từ châu Âu đến Bắc Mỹ đi qua hòn đảo này. Theo giới quan sát, ngoài an ninh quốc gia, ông Trump nhắm đến Greenland còn có thể vì trữ lượng tài nguyên, trong đó có dầu mỏ, đất hiếm, uranium, và vị trí chiến lược của hòn đảo trong hoạt động hàng hải.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng đề cập ý định mua Greenland, nhưng lãnh đạo hòn đảo và Đan Mạch bác bỏ. Sau những tuyên bố gần đây của ông Trump, lãnh đạo Greenland cũng khẳng định hòn đảo "không phải để bán".
Thủ tướng Frederiksen gọi Mỹ là "đồng minh quan trọng nhất, thân cận nhất", bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ sẽ không sử dụng sức mạnh quân sự hay kinh tế để kiểm soát đảo.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)