Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Bình Dương - Ảnh: N.TRÍ
Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm đi các thị trường lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu... đều tăng trưởng tốt.
Xuất siêu toàn ngành sau 7 tháng ước đạt 7,86 tỉ USD
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 7 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 9,361 tỉ USD, đạt 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, về thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 7 tháng: Hoa Kỳ đạt 5,019 tỉ USD, tăng 24 %; Trung Quốc đạt 1,22 tỉ USD, tăng 37,92 %; Nhật Bản đạt 949 triệu USD, giảm 2,73%, Hàn Quốc đạt 472 triệu USD, giảm 1%, Châu Âu đạt 555 triệu USD, tăng 22,44 % so với cùng kỳ năm trước.
Từ chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 7 tháng năm 2024 ước đạt 1,5 tỉ USD, tăng 22,3% so với năm 2023. Như vậy, với kết quả trên, xuất siêu của toàn ngành sau 7 tháng ước đạt 7,86 tỉ USD.
Nhiều chuyên gia cho rằng tình hình xuất khẩu của ngành trong 5 tháng cuối năm khả năng sẽ vẫn tốt bởi đơn hàng về đồ nội thất bằng gỗ thường tăng khi thị trường nhà cửa, bước vào giai đoạn sửa sang để đón chào năm mới.
Nhiều doanh nghiệp Việt bị "xù nợ" với giá trị lớn
Tuy vậy, theo nhiều doanh nghiệp, ngành sản xuất đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ vẫn đang và sẽ gặp nhiều thách thức lớn.
Phát biểu tại một hội thảo liên quan đến hoạt động xuất khẩu vào thị trường Mỹ mới đây, đại diện Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, cho biết thời gian qua nhiều doanh nghiệp Việt bị "xù nợ" với giá trị lớn do không ít đối tác nhập khẩu đồ gỗ tại Mỹ, Châu Âu... lâm vào cảnh thua lỗ và tuyên bố phá sản.
Mấy năm gần đây ngành gỗ Việt Nam có thể bị mất hàng trăm triệu USD vì lý do này.
"Chúng tôi cần sự hỗ trợ từ Nhà nước trong việc giúp doanh nghiệp có chỗ mua bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu, cũng như hỗ trợ tìm hiểu, cảnh báo tình hình tài chính các doanh nghiệp, tập đoàn nhập khẩu, bán lẻ đồ gỗ và lâm sản. Bởi biết được khách hàng nhưng không dễ hiểu hết tình hình tài chính khách hàng, nếu đánh giá mơ hồ thì khi xảy ra rủi ro thiệt hại sẽ rất lớn" vị đại diện hiệp hội nói.
Ngoài ra, việc Mỹ (thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam) đánh thuế rất cao lên sản phẩm đồ gỗ nhập từ Trung Quốc các năm qua, khiến Trung Quốc tìm cách "thoát" đánh thuế bằng việc gia tăng sản xuất ở các nước, trong đó có Việt Nam.
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt ngay tại sân nhà, và có nguy cơ bị vạ lây nếu đồ gỗ Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt, hoặc lợi dụng hoạt động đầu tư để núp bóng, nhằm lấy xuất xứ Việt Nam đối với đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 10-8, bà Lê Thị Xuyến, Tổng giám đốc Công ty CP chế biến gỗ Thuận An (Bình Dương), cho biết tín hiệu thị trường xuất khẩu tốt hơn năm ngoái, đơn hàng đi các thị trường chính như Mỹ, Châu Âu... đều tăng. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn nhất định cho ngành, đặc biệt tính bền vững của thị trường chưa cao.
"Giá cước tàu biển neo cao kéo dài khiến giá gỗ nguyên liệu nhập về tăng mạnh, giá thành sản xuất vì thế cũng tăng. Chưa kể ở chiều xuất đi, đối tác cũng gặp khó trong việc tìm những hãng tàu có giá cước cạnh tranh", bà Xuyến nói.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng các thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam như Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản... dù đã tốt lên so với năm ngoái nhưng còn đang tiếp tục đối diện với các khó khăn về kinh tế.
Ngoài ra, tình hình chính trị thế giới thiếu ổn định cũng ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu, tiêu dùng.