Công nhân sản xuất trong nhà máy tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam - Ảnh: A LỘC
Lương nhân công ở Việt Nam chưa bằng một nửa Trung Quốc
Tại báo cáo về FDI vừa công bố, Ngân hàng HSBC cho biết một số nền tảng cơ bản thuận lợi tạo cho Việt Nam vị thế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt trội hơn các nước trong khu vực.
Trong đó phải kể đến chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ FDI. So sánh chi phí lao động ở châu Á, mức lương nhân công sản xuất ở Việt Nam chưa bằng một nửa Trung Quốc và thấp hơn nhiều khi so với mức gần 2.000 USD từ Singapore hay các quốc gia khác trong khu vực.
Trong khi người dân Việt Nam có trình độ giáo dục phổ thông vững vàng, thể hiện qua kết quả khảo sát PISA của Việt Nam (chương trình đánh giá học sinh quốc tế khảo sát kiến thức và kỹ năng của học sinh 15 tuổi) là ở mức cao.
Các chi phí khác, chẳng hạn như năng lượng cần thiết cho vận hành nhà máy, ở Việt Nam cũng cạnh tranh, theo HSBC. Khi so sánh giá điện cho kinh doanh, Việt Nam thấp hơn so với các quốc gia khác như Singapore, Philippines, Malaysia, Thái Lan…, theo HSBC.
TP.HCM kiện toàn lại ban chỉ đạo sắp xếp nhà đất công
Ngày 9-8, UBND TP.HCM vừa có quyết định kiện tòa Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM (Ban chỉ đạo 167).
Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm trưởng ban chỉ đạo. Trưởng ban chỉ đạo có trách nhiệm điều hành hoạt động, ban hành quy chế hoạt động, thành lập tổ chuyên viên giúp việc của ban chỉ đạo và ban hành quy chế hoạt động của tổ chuyên viên.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng làm phó trưởng ban. Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Nguyễn Hoàng Hải làm ủy viên thưởng trực.
Ngoài ra Ban chỉ đạo còn 9 thành viên khác gồm phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM, Thanh tra TP; phó giám đốc các sở: Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư.
Ban chỉ đạo 167 có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và nghị định số 67/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 167/2017/NĐ-CP.
Tết Trung thu có nên là ngày nghỉ chính thức?
Những chiếc lồng đèn khổng lồ được làm bởi liên đội các trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa "thắp sáng" sân trường dịp Tết Trung thu - Ảnh: TRẦN HOÀI
Kết quả khảo sát do Mondelez Kinh Đô Việt Nam phối hợp thực hiện cùng Nielsen IQ cho thấy, 94% người Việt Nam mong muốn mọi người quan tâm đến ngày Tết Trung thu hơn để gìn giữ những nét văn hóa đẹp của dân tộc Việt.
Trên website về ngày Trung thu sum vầy, hiện đã có trên 334.000 lượt bình chọn ủng hộ Tết Trung thu nên trở thành một ngày nghỉ chính thức. Hiện đã có một số doanh nghiệp cho cán bộ công nhân viên nghỉ làm vào ngày Tết Trung thu, đồng thời có hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam ủng hộ ý tưởng này.
TP.HCM tiếp tục cấp chữ ký số miễn phí cho người dân đến hết 31-7-2025
Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM vừa có văn bản gửi các sở ngành, quận huyện, đơn vị đề nghị tiếp tục cấp chữ ký số miễn phí cho người dân từ nay đến 31-7-2025. Riêng Tổng công ty Viễn thông Viettel từ nay đến hết ngày 31-12-2024.
Theo đó với dịch vụ cấp mới chữ ký số thì các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng gồm VNPT TP.HCM, Tổng công ty Viễn thông Viettel, Công ty cổ phần MISA, Công ty cổ phần BKAV, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT, Công ty cổ phần Công nghệ thẻ Nacencomm cấp miễn phí.
Với dịch vụ gia hạn chữ ký số thì các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng gồm Công ty cổ phần MISA, Công ty cổ phần BKAV, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT, Công ty cổ phần Công nghệ thẻ Nacencomm làm miễn phí. Còn VNPT TP.HCM, Tổng công ty Viễn thông Viettel thu phí theo chính sách của công ty.
Trước đó giữa tháng 6-2023, Sở Thông tin và Truyền thông có công văn triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho người dân. Đến nay đã có hơn 1,5 triệu chữ ký số được cấp.
Phạt "kỳ lân" công nghệ VNG ém thông tin về khoản vay của Big V
Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán với Công ty cổ phần VNG.
Theo đó, VNG bị phạt 92,5 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố một số tài liệu như: nghị quyết HĐQT ngày 8-9-2022 thông qua việc thế chấp tài sản của công ty để đảm bảo nghĩa vụ nợ của Công ty cổ phần Công nghệ Big V (là cổ đông lớn và là bên liên quan).
Doanh nghiệp này cũng công bố không đúng thời hạn báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán; báo cáo thường niên năm 2023.
VNG còn bị phạt 65 triệu đồng do có hành vi công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật.
Cụ thể, trong năm 2022 và 2023, VNG có phát sinh giao dịch với bên liên quan là Công ty CP công nghệ Big V. Theo đó, VNG đã sử dụng tài khoản tiền gửi của mình mở tại Citibank để đảm bảo cho khoản vay của cổ đông lớn là Công ty CP Công nghệ Big V.
Tuy nhiên, tại các báo cáo tài chính năm 2022 và năm 2023 đã kiểm toán, VNG không trình bày đầy đủ giao dịch với bên liên quan này.
Tổng số tiền phạt VNG lên gần 160 triệu đồng.
Tin tức đáng chú ý trên Tuổi Trẻ nhật báo ngày 10-8. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY
Tin tức thời tiết hôm nay 10-8 - Đồ họa: NGỌC THÀNH