Chuyên mục  


Video đăng trên mạng xã hội Trung Quốc ngày 26/12 cho thấy chuyến bay thử nghiệm của một tiêm kích có cánh dạng tam giác gấp khúc, được cho là nguyên mẫu chiến đấu cơ tàng hình do Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô (CAIG) phát triển.

Máy bay ứng dụng thiết kế cánh bay, không có cánh đuôi ngang và cánh đuôi đứng, trang bị ba động cơ. Nguyên mẫu khi đó đang lượn chuyển hướng trong lúc được tiêm kích tàng hình J-20S hộ tống.

Một số hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội cùng ngày cũng cho thấy nguyên mẫu phi cơ dùng thiết kế cánh bay của Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương (SAC) trong chuyến thử nghiệm.

trung-quoc-he-lo-hai-mau-chien-dau-co-trong-mot-ngay-1735266180.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=reGaGSvzhSySTqehPnkU9g
Trung Quốc hé lộ hai mẫu chiến đấu cơ trong một ngày

Phi cơ được cho là nguyên mẫu của CAIG bay thử trong video đăng ngày 26/12. Video: X/Justin Bronk

Thiết kế cánh bay của hai nguyên mẫu giúp phân bố tải trọng hiệu quả hơn, giảm đáng kể lực cản không khí và số lượng bề mặt góc cạnh có thể phản xạ sóng radar. Dù vậy, thiết kế này khiến phi cơ rất kém ổn định, cần có hệ thống điều khiển điện tử tự động để duy trì khả năng kiểm soát bay và bảo đảm an toàn.

Thiết kế cánh bay, không có cánh đuôi từng được không quân Mỹ áp dụng với các dòng oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit và B-21 Raider, trong khi Nga cũng triển khai cho máy bay không người lái (UAV) tàng hình S-70 Okhotnik.

Giới phân tích phương Tây đang đặt câu hỏi rằng hai nguyên mẫu là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5, được thiết kế để tập kích các khu vực được phòng không bảo vệ, hay là tiêm kích chiếm ưu thế trên không thế hệ thứ 6.

"Thật thú vị khi thấy không quân Trung Quốc cho nguyên mẫu bay vào ban ngày. Tôi cho rằng nó có thể thuộc dự án phát triển tiêm kích hoặc oanh tạc cơ thế hệ thứ 5, đôi khi được gọi là J/H-XX", Justin Bronk, chuyên gia hàng không tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định.

Phi cơ được cho là nguyên mẫu của SAC (trái) bay trong bức ảnh đăng ngày 26/12. Ảnh: X/OedoSoldier

Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận về thông tin.

Theo tạp chí Forbes, quân đội Trung Quốc thường hé lộ công nghệ mới vào giai đoạn cuối năm trước và đầu năm sau. Ví dụ nổi bật nhất là khi Bắc Kinh cố tình để lộ những hình ảnh đầu tiên về tiêm kích tàng hình J-20 trên mạng hồi tháng 1/2011.

Forbes nhận định các nguyên mẫu có thể trở thành chiến đấu cơ đa nhiệm với năng lực đối không mạnh mẽ, song cũng có khả năng hoạt động như cường kích tàng hình để tấn công mục tiêu mặt đất.

"Không quân Trung Quốc đang phát triển các mẫu oanh tạc cơ tàng hình tầm trung và tầm xa, có khả năng tập kích mục tiêu trong khu vực và trên toàn cầu", Lầu Năm Góc cho biết trong báo cáo công bố hồi giữa tháng.

Phạm Giang (Theo Business Insider, Forbes)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020