Trong cuộc phỏng vấn ngày 26/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định gần 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ là bộ phận không thể tách rời của dân tộc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế và các hoạt động thiện nguyện khác ở quê hương.
"Hơn 421 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD tại 42 trong 63 tỉnh thành, cùng nguồn kiều hối dự báo đạt khoảng 16 tỷ USD trong năm 2024 là những nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước", ông Sơn nói.
Mức kiều hối này tương đương năm 2023, thời điểm kiều hối về Việt Nam cao kỷ lục sau thời gian tăng trưởng chậm do Covid-19.
Ông Sơn cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật, tạo điều kiện để bà con kiều bào gắn kết hơn với trong nước, triển khai các biện pháp tổng thể lâu dài để chăm lo phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: BNG
Nhiều chủ trương, chính sách đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng đang được triển khai, giúp kiều bào dễ dàng về nước sinh sống, đầu tư kinh doanh. Chính phủ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kết nối của cộng đồng, bồi dưỡng và hỗ trợ phát triển nguồn lực của Việt Nam ở nước ngoài.
Các văn bản pháp luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Căn cước công dân ngày càng được hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho kiều bào về sinh sống, làm việc và đầu tư ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao tin tưởng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, ngày càng phát triển và gắn kết hơn với trong nước, đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Bùi Thanh Sơn cho hay trong năm 2024, các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam đã tiến hành 59 hoạt động đối ngoại, trong đó có 21 chuyến thăm các nước, dự hội nghị đa phương và đón 25 đoàn lãnh đạo các nước thăm Việt Nam.
Bạn bè quốc tế ngày càng coi trọng, đánh giá cao, mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Australia, Pháp và Malaysia, nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược với Brazil, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Mông Cổ và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Hiện Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 194 nước.
Ngoại giao kinh tế tiếp tục đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh tế chung của đất nước. Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến đạt mốc kỷ lục mới là 800 tỷ USD. Việt Nam vẫn là một trong những nước tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới. Trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam đón hơn 15,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị thế, uy tín và có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng quốc tế.
"Trước những biến động trên thế giới, quốc phòng - an ninh - đối ngoại đã hình thành thế chân kiềng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay.
Ngọc Ánh