Wendy Chen, 25 tuổi, năm nay quyết định thử thách bản thân khi đặt mục tiêu chinh phục đỉnh núi Thái Sơn, ngọn núi nổi tiếng, biểu tượng văn hóa ở miền đông Trung Quốc. Nhưng cô không thể tìm được bạn đồng hành trong chuyến leo núi kéo dài 5 tiếng.
Thay vì từ bỏ kế hoạch, Chen đã sử dụng dịch vụ "bạn leo núi", thuê một thanh niên trẻ, nhiều kinh nghiệm để đi cùng và hỗ trợ cô leo lên đỉnh Thái Sơn cao 1.533 m.
Chen không phải người duy nhất tìm bạn leo núi. Dịch vụ này trong tiếng Trung được gọi là pei pa, chỉ những chàng trai Trung Quốc trẻ tuổi nhận thù lao để đồng hành cùng người lạ chinh phục những ngọn núi nổi tiếng.
Xu hướng trở nên phổ biến trong năm nay, các cụm từ tìm kiếm (hashtag) liên quan đến pei pa ghi nhận hơn 100 triệu lượt truy cập trên mạng xã hội Trung Quốc.
Đỉnh Ngọc Hoàng trên núi Thái Sơn của Trung Quốc. Ảnh: Wikimedia
Những chàng trai trẻ này, thường là sinh viên đại học, thậm chí là cựu quân nhân, tự quảng cáo bản thân trên mạng xã hội, nêu rõ chiều cao, tình trạng thể chất, kinh nghiệm leo núi. Họ thường tính phí 30-85 USD cho mỗi chuyến đồng hành.
Trong suốt chuyến đi, họ sẽ làm mọi cách để khiến khách hàng quên đi cảm giác mỏi mệt, kiệt sức, từ ca hát, kể chuyện cười, chơi nhạc, động viên, cho đến xách túi, nắm tay kéo họ đi.
Chuyến đi của Chen và pei pa cô thuê bắt đầu lúc 20h để lên đến đỉnh Thái Sơn kịp lúc bình minh ló dạng. Sau khi đánh giá tình trạng thể chất của cô, người bạn leo núi đã lên lộ trình leo thích hợp và đề xuất xách hộ túi cho cô.
Để ứng phó những cơn gió lạnh, chàng trai này đã thuê cho Chen một chiếc áo khoác dày, chỉ cho cô nơi có tường bao quanh để núp gió. Khi mặt trời mọc, anh lấy ra một lá quốc kỳ và một số đạo cụ để chụp cho Chen những khoảnh khắc đáng nhớ.
Dù cảm thấy kỹ năng chụp ảnh của chàng trai còn nhiều điểm cần cải thiện, Chen đánh giá pei pa của mình "đạt yêu cầu", trả cho anh 49 USD. Đây là mức phí vừa phải, nhưng cô thừa nhận có thể trả cao hơn cho những pei pa ưa nhìn.
"Độ đẹp trai cũng là một phần trong sức hút của họ", Chen nói.
Bình minh nhìn từ đỉnh Thái Sơn, miền đông Trung Quốc. Ảnh: Wendy Chen
Nhóm chính sử dụng dịch vụ pei pa thường là phụ nữ trẻ độc thân, nhưng điều này đang dần thay đổi. Pei pa có thể phục vụ cả những phụ nữ có con nhỏ, giúp họ cõng con leo núi.
Chris Zhang, sinh viên 20 tuổi, nắm bắt cơ hội vào mùa hè năm nay. Trong khi bạn cùng lứa chọn đi thực tập, Zhang quyết định đăng thông tin lên mạng, giới thiệu bản thân cung cấp dịch vụ pei pa.
Trong vòng ba tháng, Zhang kiếm đến 2.800 USD, trong khi bạn bè anh chỉ kiếm được lương thực tập khoảng 280 USD một tháng. Theo Zhang, trở thành một pei pa không chỉ giúp anh có thu nhập cao hơn, mà còn trở nên năng động hơn thay vì ngồi trước màn hình máy tính cả ngày.
Tương tự, Chen Wudi cũng coi đây là một công việc nghiêm túc. Sau khi nghỉ công việc sale hồi tháng 4, Wudi, 27 tuổi, quyết định sống cùng đam mê leo núi và trở thành một pei pa toàn thời gian.
Hiện Chen có tới 40 khách đặt dịch vụ, kiếm khoảng 2.800 USD một tháng, cao gấp đôi lương trung bình ở Trung Quốc. Thu nhập tốt đến mức Chen chuyển về sống ngay dưới chân núi Thái Sơn ở thành phố Thái An.
"Về cơ bản, tôi leo núi mỗi ngày, đôi khi 2-3 lần mỗi ngày", Chen nói. Anh cũng nhận leo bất kỳ ngọn núi nào ở Trung Quốc với khách hàng, nếu khách chi trả phí đi lại.
Những pei pa Trung Quốc (áo khoác đen, đeo kính râm) đồng hành cùng khách hàng lên đỉnh núi. Ảnh: CNA
Dù thu nhập cao, Chen thừa nhận công việc này không bền vững. "Tôi hay bị đau gối, chắc tôi chỉ còn làm pei pa được vài tháng nữa, cùng lắm là nửa năm".
Mức độ phổ biến của loại hình dịch vụ tự phát này cũng gây ra một số lo ngại do không được quản lý. Nhiều người cảnh báo về những rủi ro an toàn tiềm ẩn, đặc biệt là đối với những khách hàng là phụ nữ trẻ độc thân hoặc phụ nữ có con nhỏ.
Một số lo ngại những pei pa chưa được xác minh lý lịch có thể khiến khách hàng rơi vào những tình huống nguy hiểm. Xu hướng pei pa cũng mở ra cơ hội cho nạn lừa đảo.
Chen hiểu công việc này không kéo dài mãi, nhưng nó thiết thực đối với anh ngay lúc này. "Tôi thích leo núi, thăm thú nhiều nơi, công việc này còn giúp tôi kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống", anh nói.
Đức Trung (Theo CNN, AFP, CNA)