Chuyên mục  


Yếu tố giúp doanh thu bán lẻ tăng 10-12% năm 2022

Theo báo cáo mới của VNDIRECT, ngành thực phẩm đồ uống sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022, với động lực chính đến từ việc mở lại các dịch vụ ăn tại chỗ và sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa.

Cụ thể, báo cáo kỳ vọng tất cả các hoạt động dịch vụ, bao gồm du lịch, vận tải và vui chơi giải trí có thể được phép hoạt động hết công suất kể từ quý 2/2022, sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số.

Hơn nữa, tiêu dùng sẽ tăng trở lại với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 10-12% so với cùng kỳ trong năm 2022 nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, bao gồm:

Thu nhập thực của người dân được cải thiện, với dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,5% so với cùng kỳ trong khi lạm phát dự kiến tăng 3,45% so với cùng kỳ vào năm 2022, đạt mục tiêu của Chính phủ là kiểm soát lạm phát dưới 4,0%.

Du lịch hồi sinh sau khi các chuyến bay quốc tế được cấp phép cho mục đích thương mại kể từ quý 1/2022, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động du lịch, giải trí, lưu trú và ăn uống.

Ngoài ra, Chính phủ có thể tung ra gói kích thích tài khóa lớn hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế, tập trung vào: trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, giảm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) và gia tăng đầu tư công vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội. Các chính sách này nhằm phục hồi cầu tiêu dùng trong nước.

Tổng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục hồi kể từ tháng 9 năm 2021 sau khi chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội. Nguồn: VNDIRECT, WB

3 xu hướng lớn

Theo đó, báo cáo chỉ ra 3 xu hướng thúc đẩy tăng trưởng doanh thu ngành thực phẩm và đồ uống:

Thứ nhất, thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng sang các thực phẩm tươi sống và đóng gói Theo khảo sát do Deloitte thực hiện nhằm đo lường kế hoạch chi tiêu của người tiêu dùng dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, 84% và 70% người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu dành cho thực phẩm tươi sống và thực phẩm đóng gói do nhu cầu tích trữ hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Theo Fitch Solution, chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu của Việt Nam ước tính sẽ tăng lần lượt 8,0% so với cùng kỳ và 10,0% so với cùng kỳ trong 2022-2023, được thúc đẩy bởi sự điều chỉnh chi tiêu trong trạng thái “bình thường mới”, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu (thực phẩm và đồ uống không cồn, nhà ở & tiện ích).

Trong đó, các hộ gia đình Việt Nam chủ yếu chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống không cồn (23%). Do đó, xu hướng tiêu dùng mới này sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành F&B trong năm 2022.

Thay đổi trong kế hoạch chi tiêu hộ gia đình dưới tác động của COVID-19 (đơn vị: % người tiêu dùng). Nguồn: VNDIRECT, DELOITTE

Thứ hai, nhu cầu hàng tiêu dùng cao cấp đang gia tăng Việt Nam là quốc gia đứng thứ 17 về dân số với 100 triệu người và đang đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong ASEAN với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2018-20 là 6,9%.

Theo Fitch Solutions, thu nhập khả dụng trên mỗi hộ gia đình của Việt Nam sẽ đạt 6.848 USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kép là 8,0% trong giai đoạn 2020-24. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng và thu nhập khả dụng tăng sẽ làm tăng nhu cầu đối với sản phẩm cao cấp.

Thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng ổn định, đồng thời lạm phát và tỷ giá hối đoái được kiểm soát kịp thời sẽ giúp người dân tiếp cận gần hơn với các sản phẩm cao cấp. Họ trở nên hiểu biết hơn nhiều về những tiêu chuẩn cao cấp.

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề sức khỏe, do đó làm tăng nhu cầu về các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được các yêu cầu về sức khỏe.

VNDIRECT nhấn mạnh, Masan Consumer (MCH) đã có sẵn vị thế vững chắc trong phân khúc sản phẩm cao cấp và là doanh nghiệp dẫn đầu xu hướng này trong vòng một thập kỷ qua. Bên cạnh đó, Vinamilk (VNM), công ty sở hữu chuỗi sản phẩm đa dạng nhất Việt Nam (với hơn 250 sản phẩm - đáp ứng hầu hết các loại sữa cho mọi lứa tuổi và giới tính), cũng sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này.

Thứ ba, các kênh bán hàng hiện đại sẽ tạo động lực tăng trưởng mới. Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng, tạo cơ hội cho các kênh phân phối hiện đại phát triển nhanh chóng khi người dân chọn mua sắm trực tuyến tại nhà và siêu thị với các sản phẩm đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc.

Năm 2020, các kênh bán lẻ hiện đại đã tăng trưởng ấn tượng, phủ khắp các thành phố lớn, và dần phủ rộng ra các vùng nông thôn trong khi kênh bán lẻ truyền thống vẫn được duy trì nhưng không còn phát triển mạnh mẽ.

Giá trị mua sắm tại các kênh online và siêu thị mini có khả năng sẽ bắt kịp kênh mua sắm truyền thống. Nguồn: VNDIRECT, KANTAR WORLD PANNEL

Những doanh nghiệp hưởng lợi lớn

Báo cáo cho hay, các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống với hệ thống phân phối hiện đại, có thể hưởng lợi từ điều này và tăng trưởng trong dài hạn. Danh sách này bao gồm Vinamilk (VNM) và Masan Consumer (MCH).

VNM đã có sẵn lợi thế để tận dụng xu hướng này nhờ danh mục sản phẩm phong phú và mạng lưới phân phối rộng lớn. VNM có hơn 500 cửa hàng bán lẻ - "Giấc mơ Việt". Kết hợp với website và ứng dụng mua hàng sẵn có, các cửa hàng này đã và đang giúp trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng được xuyên suốt giữa các nền tảng.

Trong khi đó, MCH cũng có đầy đủ lợi thế bao gồm hệ thông siêu thị Vinmart có được thông qua việc hợp nhất với Vincommerce vào năm 2020. VCM đã có hai chuỗi bán lẻ hiện đại, bao gồm 123 siêu thị với thương hiệu VinMart và 2.231 cửa hàng tiện lợi với thương hiệu VinMart +.

Đặng Hùng

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020