Chuyên mục  


ca-ngu-1721618474973302567556.jpg

Cá ngừ được ví là “vận động viên” cừ khôi từ biển cả và cá ngừ Việt Nam xuất khẩu đang được Tây Ban Nha ưa chuộng - Ảnh: T.D.

Theo VASEP, nổi bật trong các thị trường xuất khẩu, cá ngừ bán sang Tây Ban Nha có tháng tăng 182% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 1,8 triệu USD, cao hơn cả so với năm 2022, như tháng 5-2024. Đặc biệt là sản phẩm thịt, loin cá ngừ đông lạnh (thịt thăn dọc sống lưng), cá ngừ hấp đông lạnh.

Ngày 22-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online câu chuyện vì sao cá ngừ Việt Nam được "xứ sở bò tót" ưa chuộng mạnh, một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Bình Định cho hay:

"Nếu như đầu năm ngoái Hàn Quốc ăn nhiều cá ngừ đông lạnh ở Việt Nam thì đầu năm nay lại là Tây Ban Nha. Do sản lượng khai thác thị trường này không ổn định vì nguồn lợi ngày càng cạn kiệt nên vẫn phải nhập khẩu thêm cá ngừ đông lạnh từ các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đã mua trực tiếp cá ngừ nguyên liệu từ các tàu đánh bắt cá của các nước trên những vùng biển quốc tế; đã bỏ qua khâu trung gian, rút ngắn chuỗi cung ứng, từ đó chi phí nguyên liệu đầu vào thấp nên hút thị trường Tây Ban Nha. Đây còn là yếu tố quyết định đến năng lực cạnh tranh trên toàn cầu mà ngành cá ngừ của nhiều quốc gia hiện chưa làm được như Việt Nam", vị này nói.

Tuy nhiên doanh nghiệp này cũng cho rằng ở thị trường "xứ sở bò tót", cá ngừ Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với cá ngừ Ecuador, Trung Quốc và Philippines.

"Các nước này với lợi thế về đội tàu khai thác, đang hơn hẳn Việt Nam về nguồn cung nguyên liệu trong nước. Nhưng Việt Nam hiện đang là điểm đến được ưu tiên lựa chọn của các nhà cung ứng cá ngừ nguyên liệu toàn cầu bởi ngành cá ngừ có năng lực sản xuất lớn, có công nghệ.

Đặc biệt chính sách nhập khẩu nguyên liệu đã được linh hoạt thông thoáng, ưu đãi về thuế quan, tạo uy tín với các nhà cung cấp lớn", vị này nói thêm về lợi thế của cá ngừ Việt Nam.

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Nam (đơn vị trung gian thu mua thủy sản xuất khẩu ở Hải Phòng) cho hay các nhà máy chế biến cá ngừ Việt Nam với máy móc, thiết bị công nghệ cao, cả kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng…

Ông Nam đánh giá: "Thậm chí thị trường nguồn cung nguyên liệu là yếu tố quyết định tới sự phát triển của ngành hàng, Việt Nam đang rất chủ động. Chuỗi cung ứng cá ngừ nguyên liệu ở khu vực Đông Nam Á đang có sự dịch chuyển sang Việt Nam, thay vì chỉ có Thái Lan như trước đây.

Vì vậy Tây Ban Nha hay sắp tới sẽ là thị trường khác, tăng mạnh nhập khẩu cá ngừ Việt Nam là chuyện không khó hiểu".

Thực tế theo VASEP, hằng năm Việt Nam đón trung bình trên 20 tàu đánh bắt, tàu cấp đông của nước ngoài với hàng trăm nghìn tấn cá ngừ nguyên liệu tới bán trực tiếp cho các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam.

Ngành hàng tỉ USD, cá ngừ Việt Nam đứng top đầu thế giới

Theo VASEP, năm 2022, lần đầu tiên xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vượt mốc 1 tỉ USD.

Cách đây 10 năm, Việt Nam chỉ đứng thứ 8 trên bản đồ xếp hạng các quốc gia xuất khẩu cá ngừ thế giới, nhưng tới năm 2023 Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 5 xét về kim ngạch, chỉ sau Thái Lan, Ecuador, Tây Ban Nha và Trung Quốc.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2024 đem về trên 4,4 tỉ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều điểm nhấn trong bức tranh xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm nay, trong đó có kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tăng gần 25%.

Xuất khẩu cá ngừ nửa đầu năm 2024 tăng gần 25%, đạt 477 triệu USD.

Về thị trường Tây Ban Nha, năm 2023 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sụt giảm liên tục. Trừ 2 tháng đầu năm 2024, từ tháng 3 cho đến nay xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường "xứ sở bò tót" tăng trưởng liên tục ở mức cao so với cùng kỳ. Tính lũy kế 5 tháng của năm nay, riêng thị trường Tây Ban Nha ghi nhận đạt hơn 5 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020