Vừa qua, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, nguyên tắc, phương pháp luận là phải đột phá, đổi mới với tầm nhìn chiến lược, hiện đại, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết 49.
"Mục tiêu, yêu cầu là hoàn thành khoảng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035".
Báo cáo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết giữ nguyên phương án tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến có vận tốc thiết kế 350 km/h, dài khoảng 1.500km, phục vụ cả hành khách lẫn hàng hóa khi cần, trong khi đường sắt Bắc - Nam hiện tại sẽ chuyển sang chủ yếu vận tải hàng, vốn đầu tư khoảng 70 tỷ USD.
Từ các đánh giá phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Thống kê, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được dự báo có thể góp phần tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 1% từ năm 2025 đến năm 2037.
Trước đó, đã có nhiều quốc gia muốn hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong dự án này như Trung Quốc, Nhật Bản...
Hàn Quốc có lợi thế về các dự án giao thông thông minh, nội địa hóa ngành công nghiệp phục vụ hệ thống đường sắt tốc độ cao
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, tại buổi làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang mới đây, Bộ trưởng Park Sang Woo chia sẻ, Hàn Quốc hiện đã và đang là một nước phát triển về đô thị và mong muốn phát triển hợp tác với nước ngoài đặc biệt là với các quốc gia lân cận.
Hiện Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ MOLIT đã ký MOU (bản ghi nhớ) về hợp tác trong lĩnh vực giao thông. Theo Bộ trưởng Park Sang Woo, thông qua việc ký MOU, hy vọng hai bên sẽ có những bước tiến hợp tác thực chất nhất. Trước mắt có thể ký MOU trong lĩnh vực đường sắt đặc biệt là đường sắt cao tốc.
“Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên tại châu Á (sau Nhật Bản) phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao. Về phát triển công nghiệp đường sắt tốc độ cao, Hàn Quốc là một điển hình trong việc chuyển giao công nghệ và nội địa hóa ngành công nghiệp phục vụ hệ thống đường sắt tốc độ cao”, Bộ trưởng Park Sang Woo chia sẻ.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đề nghị Bộ MOLIT chia sẻ những kinh kiệm về đầu tư phát triển, khai thác hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc và hỗ trợ Việt Nam về tiếp nhận và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao và phát triển ngành công nghiệp đường sắt. Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ MOLIT quan tâm đến Dự án metro số 3 của Việt Nam.
Được biết Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS). Bộ Giao thông Vận tải hoan nghênh và kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào các dự án giao thông thông minh tại các đường cao tốc của Việt Nam.
Trung Quốc có lợi thế về lĩnh vực đường sắt, toa xe và tín hiệu
Ngày 25/6/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC) tại thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc).
CRSC trực thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước Trung Quốc (SASAC), nhà cung cấp hệ thống điều khiển vận tải đường sắt lớn nhất thế giới, là cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc về tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn sản phẩm các hệ thống kiểm soát vận tải đường sắt.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo kế hoạch, Việt Nam phát triển hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam dài hơn 1.500 km, dự kiến triển khai trước năm 2030, cụ thể vào giai đoạn 2026-2027. Để triển khai, ông cho hay, Việt Nam muốn hợp tác với Trung Quốc về lĩnh vực đường sắt, toa xe và tín hiệu.
"Đây là ba cấu phần giữ vai trò quyết định an toàn của các tuyến đường sắt, kể cả đường sắt cao tốc và đô thị", Bộ trưởng Thắng nói, thêm rằng Trung Quốc có công nghệ tốt về phát triển đường sắt, giá thành hợp lý, nên đây là cơ hội tốt để hai bên hợp tác thông qua cơ chế hỗ trợ như vay vốn ODA, tín dụng xuất khẩu.
Trước đó, ông Bạch Ngọc Chiến, Giám đốc Tổng công ty xây dựng Cảng Trung Quốc (CHEC), đại diện Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc, gặp Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường tại Trung Quốc hôm 19/10/2023.
Doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được tham gia các dự án lớn tại Việt Nam, trong đó có kế hoạch phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Nhật Bản có lợi thế về vốn và kỹ thuật
Tháng 6/2024, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã tiếp và làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki về thúc đẩy hợp tác hai bên lĩnh vực giao thông vận tải. Đại sứ cho biết, phía Nhật Bản rất quan tâm, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong đầu tư các dự án hạ tầng giao thông. Trong đó có các dự án mới như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cảng Liên Chiểu...
Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chính phủ Việt Nam cũng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ vốn, kĩ thuật. Để có thể hiện thực hóa hợp tác này, phía Nhật Bản mong muốn được cung cấp thông tin chi tiết, tài liệu dự án.
Tháng 3/2024, Đoàn công tác của Bộ Tài chính Việt Nam cũng đã có buổi làm việc với Bộ Tài chính Nhật Bản và lãnh đạo các đối tác Nhật Bản.
Tại đây, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, trong đó, có khoảng 30% vốn sẽ được huy động từ vốn nước ngoài. Bộ mong mong muốn phía Nhật Bản sẽ tham gia cung ứng vốn cho dự án này. Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, sẵn sàng tham gia vào dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, cũng như các dự án hạ tầng khác mà Việt Nam đang chuẩn bị triển khai.