Báo cáo được đăng trên tạp chí The Lancet Diabetes & Endocrinology ngày 14/1, cho rằng định nghĩa về béo phì nên dựa trên lượng mỡ cơ thể, các biến chứng y tế của người bệnh, thay vì chỉ dựa vào cân nặng. 76 tổ chức trên thế giới đã tán thành định nghĩa mới này.
Trước đó, BMI dưới 18,5 là phạm vi nhẹ cân, cần tăng cân và được bổ sung dinh dưỡng. BMI trong khoảng 18,5 đến 25 là giới hạn cho người có cơ thể bình thường, mọi chỉ số đang ở mức ổn. BMI trong khoảng 25 tới 30 là phạm vị thừa cân. BMI trên 30 là béo phì và tăng nguy cơ mắc các bệnh có nguyên nhân từ béo phì.
Sau khi thực hiện nghiên cứu mới, ủy ban 58 bác sĩ đề xuất, bên cạnh BMI, nên xét đến các yếu tố khác như mỡ thừa và biến chứng bệnh nền. Báo cáo nêu rõ, những người BMI trên 25, có mỡ thừa nên được theo dõi, tư vấn không tăng cân hoặc giảm cân. Tình trạng này được gọi là béo phì lâm sàng. Người có các bệnh lý như khó thở, suy tim, đau khớp háng, đầu gối, rối loạn chuyển hóa, suy giảm chức năng nội tạng cần được điều trị y tế. Người có BMI từ 40 trở lên có thể được chẩn đoán béo phì lâm sàng, không cần đánh giá lượng mỡ cơ thể.
Cách đơn giản nhất để bác sĩ kiểm tra mỡ thừa là đo vòng eo. Vòng eo trên 88 cm ở nữ và 101,6 cm ở nam giới thường do mỡ thừa. Các công cụ khác bao gồm đo tỷ lệ eo-hông, tỷ lệ eo-chiều cao hoặc chụp DEXA (phương pháp phổ biến nhất để đo loãng xương).
58 chuyên gia đã dành nhiều năm cho báo cáo này. Tiến sĩ Francesco Rubino, chủ tịch ủy ban, kiêm bác sĩ phẫu thuật giảm béo tại King’s College London, cho biết nhóm muốn đánh giá béo phì theo cách khác, thay vì coi nó là một căn bệnh.
Một người đang được đo vòng eo, yếu tố có thể sử dụng để xác định lượng mỡ bụng. Ảnh: iStock
Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) tán thành báo cáo. Tiến sĩ Mariell Jessup, giám đốc khoa học và y tế của hiệp hội, cho biết các bác sĩ trước đây thường gặp khó khăn với các phương pháp thiếu chính xác để đánh giá một người là béo phì.
Rebecca Puhl, phó giám đốc Trung tâm Rudd về Chính sách, Thực phẩm và Sức khỏe tại Đại học Connecticut, cho rằng ủy ban đang "cố gắng giảm bớt một số quan niệm sai lầm về béo phì". Điều này có thể giảm tình trạng kỳ thị, bởi béo phì vẫn bị coi là một khuyết điểm về tính cách, hơn là vấn đề sức khỏe phức tạp.
Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi định nghĩa mới về béo phì có thể khó khăn. Trong nhiều năm, các chuyên gia cho rằng thế giới quá phụ thuộc vào BMI để xác định thừa cân và béo phì. Chỉ số này dễ đo, chỉ cần chiều cao và cân nặng. Nó nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn để xác định liệu mọi người bị thiếu cân, thừa cân hay không.
Tiến sĩ David M. Nathan, giáo sư y khoa tại Harvard, người sáng lập trung tâm tiểu đường tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết BMI là yếu tố nguy cơ chính của tiểu đường, bệnh tim, ung thư. Vòng eo cũng có vai trò tương tự. Nhưng không giống với BMI, các bác sĩ đôi khi ngó lơ yếu tố này.
Theo tiến sĩ Nathan, kỳ vọng "cả thế giới sẽ thay đổi quan điểm về béo phì theo định nghĩa mới" là thiếu thực tế. Bên cạnh đó, chờ đến khi có biến chứng sức khỏe mới điều trị béo phì là quá muộn.
"Như vậy chẳng khác nào nói, không nên điều trị cao huyết áp cho đến khi người bệnh bị đột quỵ", tiến sĩ Nathan nói.
Việc thay đổi tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì cũng ảnh hưởng đến các loại thuốc điều trị mới và sắp ra thị trường.