Chuyên mục  


Andriy Yermak, chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ngày 11/6 cho biết "những trải nghiệm tệ hại" trong các khuôn khổ đàm phán trước đây liên quan Nga, khi chiến sự chưa bùng phát, cho thấy nỗ lực chấm dứt chiến sự cần được xây dựng trên nền tảng sự ủng hộ rộng rãi ngay từ đầu và căn cứ vào luật pháp quốc tế. "Tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai, chúng tôi sẽ làm việc với tất cả đồng sự và quốc gia muốn tham gia. Chúng tôi đang cùng nhau chuẩn bị một kế hoạch chung sẽ nhận được sự ủng hộ của tất cả quốc gia có trách nhiệm. Và chúng tôi cũng đang tìm kiếm khả năng mời đại diện Nga tham dự hội nghị lần hai để cùng trình bày kế hoạch chung", ông Yermak nói.

Theo ông, nếu lập trường này nhận được sự ủng hộ của từ 100 quốc gia trở lên ở mọi châu lục, đây sẽ là "kế hoạch thực sự và rất khó gây tranh cãi" và là "lộ trình thực sự về cách chấm dứt chiến tranh và giải quyết khủng hoảng".

Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, trong cuộc họp báo tại Kiev năm 2020. Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine lần thứ nhất sẽ diễn ra cuối tuần này tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock ở Thụy Sĩ, theo đề nghị của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Nước chủ nhà đã mời hơn 160 quốc gia và tổ chức quốc tế tới tham dự. 90 nước, tổ chức quốc tế đã xác nhận tham dự, khoảng một nửa trong số đó đến từ châu Âu.

Nga cho biết nước này không quan tâm đến việc tham dự hội nghị và Thụy Sĩ cũng không mời Moskva. Trung Quốc, Brazil và Nam Phi nhiều khả năng cũng vắng mặt.

Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd hôm 10/6 cho biết hội nghị thượng đỉnh nhằm tìm ra con đường hướng tới nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài cho Ukraine, dựa trên luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hợp Quốc. Hội nghị cũng sẽ đề cập vấn đề tù binh và quyền tự do hàng hải ở Biển Đen.

Yermak bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ góp mặt tại sự kiện. "Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe lập trường của Trung Quốc. Họ vẫn còn thời gian để thay đổi quan điểm trước khi sự kiện diễn ra. Chúng tôi rất vui nếu Trung Quốc cử đại diện cấp cao tham dự", ông cho hay. "Nếu họ không tới, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc với Trung Quốc và nỗ lực để họ tham dự hội nghị thượng đỉnh lần hai".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 31/5 thông báo Bắc Kinh "khó tham dự" sự kiện tại Thụy Sĩ vì nó "chưa đáp ứng yêu cầu" của nước này. Theo Trung Quốc, việc tiến hành các cuộc hòa đàm mà không có sự tham dự của cả Nga và Ukraine là điều vô nghĩa.

Huyền Lê (Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020