Trong phát biểu nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới Mỹ - Mexico và ký loạt sắc lệnh hành pháp để nhanh chóng thực thi chương trình nghị sự của mình.
Fox News cho biết Tổng thống thứ 47 của Mỹ sẽ ký ban hành hơn 200 quyết định hành pháp ngay sau khi nhậm chức, trong đó có khoảng 50 sắc lệnh, còn lại là các bản ghi nhớ của Nhà Trắng, tuyên bố và chỉ thị hành chính.
Các trợ lý khẳng định ông Trump sẽ lập tức bắt tay vào "dọn dẹp hệ thống chính trị thảm bại và suy thoái của đất nước" bằng "sóng sắc lệnh" ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức. Các sắc lệnh, chỉ thị sẽ liên tục được ký ở nhiều địa điểm, gồm tòa nhà quốc hội tại Đồi Capitol, Nhà Trắng và nhà thi đấu Capital One Arena, nơi diễn ra sự kiện ăn mừng sau lễ nhậm chức.
Jason Miller, cố vấn cấp cao của ông Trump, cho biết Tổng thống sẽ bắt đầu ký các văn bản ngay sau khi kết thúc lễ nhậm chức tại Đồi Capitol. Nhiều quyết định sẽ được gộp vào cùng một "chỉ thị tổng hợp", nhằm giảm số lượng tài liệu mà ông Trump cần ký lần lượt.
"Đây là danh sách chỉ thị hành chính trong ngày đầu nhậm chức dài nhất lịch sử Mỹ, giữ vững vô số cam kết mà Tổng thống đắc cử đã đưa ra trong giai đoạn vận động tranh cử. Có thể gọi đó là làn sóng chỉ thị khổng lồ, kỷ lục và không ai sánh bằng", một cố vấn của ông Trump bình luận.
Tổng thống đắc cử Trump tại Washington ngày 19/1. Ảnh: AP
Trong cuộc mít tinh với người ủng hộ ở Capital One Arena hôm 19/1, ông Trump nhấn mạnh quyết tâm ban hành loạt chỉ thị và sắc lệnh hành pháp trong ngày đầu nhiệm kỳ. Ông khẳng định đây là "ý tưởng cá nhân", được thực hiện bất chấp can ngăn từ đội ngũ cố vấn.
"Một vài người nói với tôi: 'Thưa ngài, đừng ký quá nhiều trong một ngày, mà hãy làm điều đó trong vài tuần'. Tôi trả lời rằng: 'Mơ đi, chúng ta có nhiều việc trong những tuần tới. Phải ký ngay'. Cứ nói để lại và làm sau thì chẳng bao giờ xong việc", ông Trump kể lại.
Tổng thống đắc cử Mỹ thêm rằng những người ủng hộ không cần phải lo lắng vì ông "vẫn còn nhiều thứ khác để ký" trong tương lai. "Tôi sẽ không bao giờ ngừng lại", ông nói.
Một nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa đã họp riêng với Phó chánh văn phòng Nhà Trắng phụ trách chính sách Stephen Miller trong chiều 19/1, nhằm thông báo trước về một số sắc lệnh hành pháp dự kiến ban bố trong ngày đầu nhiệm kỳ của ông Trump.
Các nghị sĩ bày tỏ lo ngại số lượng sắc lệnh như ông Trump dự tính ký là quá nhiều và có nguy cơ bị đảo ngược sau vài tháng, trong trường hợp phe Dân chủ và các tổ chức xã hội yêu cầu tòa án can thiệp. Các sắc lệnh, chỉ thị hành pháp của ông Trump không cần thông qua quốc hội, có hiệu lực gần như lập tức, nhưng dễ dàng bị các thẩm phán ra phán quyết ngăn chặn.
Một sắc lệnh hành pháp được ông Trump ký năm 2017. Ảnh: Reuters
Phần lớn chỉ thị mà ông Trump muốn ban hành sau khi nhậm chức là khôi phục những chính sách từ nhiệm kỳ đầu của ông và đã bị Tổng thống Joe Biden vô hiệu hóa trong 4 năm qua. Bên cạnh đó, ông sẽ ưu tiên triển khai những cam kết quan trọng nhất với cử tri về năng lượng, trục xuất người nhập cư bất hợp pháp và ân xá người tham gia bạo loạn Đồi Capitol năm 2021.
Về nhập cư, sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới phía nam và đóng cửa biên giới, ông Trump sẽ khởi động kế hoạch trục xuất quy mô lớn và ký "loạt sắc lệnh hành pháp lịch sử" nhằm "trao trả hàng triệu người nước ngoài phạm tội trở về nơi họ xuất phát".
Ngoài ra, ông Trump dự định ký sắc lệnh lập tức đình chỉ cấp quyền công dân cho người nước ngoài sinh ra trên đất Mỹ. Sắc lệnh này trái với quy định trong hiến pháp Mỹ và có thể bị tòa án ngăn chặn, nhưng ông Trump nhiều khả năng vẫn ban hành với quan điểm "ký trước, kiện tụng sau".
Trong vấn đề an ninh, ông Trump sẽ chỉ đạo xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa theo kiểu "Vòm Sắt" hoàn toàn do Mỹ sản xuất. Ông sẽ yêu cầu công bố số tài liệu mật còn lại liên quan các vụ ám sát John F. Kennedy, Robert F. Kennedy và Martin Luther King Jr.
Người ủng hộ ông Trump tập trung trước Capital One Arena vào ngày 19/1. Ảnh: AFP
Ông Trump sẽ coi hàng loạt băng đảng ma túy là tổ chức khủng bố nước ngoài và chỉ đạo chính quyền khôi phục Quy trình Bảo vệ Di trú trong nhiệm kỳ đầu, còn gọi là "Ở lại Mexico". Theo quy trình này, những người từ Mexico đến Mỹ để xin tị nạn sẽ phải ở lại Mexico cho đến khi đơn xin tị nạn được chấp thuận, thay vì tạm thời cư trú trên lãnh thổ Mỹ để chờ phán quyết của tòa án.
Tổng thống đắc cử Mỹ dự kiến tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng, mở đường tăng sản xuất năng lượng trong nước, điều chỉnh quản lý đất đai để nới lỏng cấp phép khai thác dầu khí. Ông có thể tạm dừng cấp phép khai thác điện gió ngoài khơi, chấm dứt những quy định bắt buộc về xe điện của chính quyền Tổng thống Biden và rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris.
Ngoài ra, ông Trump còn lên kế hoạch ban hành lệnh ân xá toàn diện cho những cá nhân từng bị kết án trong vụ bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1/2021. Hơn 1.600 người đã bị buộc tội hình sự hoặc phạm tội ở cấp liên bang liên quan sự kiện này, trong đó khoảng 465 người đang thi hành án tù.
Loạt sắc lệnh hành pháp và chỉ thị hành chính có thể giúp ông Trump điều chỉnh nhiều chính sách dưới thời Tổng thống Biden, trong một số trường hợp về lý thuyết có thể vượt quyền quốc hội Mỹ, nhưng sẽ không vấp phải nhiều trở ngại do đảng Cộng hòa đang kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện.
Tuy nhiên, quyền lực hành pháp của Tổng thống Mỹ cũng có giới hạn, đặc biệt là khi bị khiếu nại tại tòa án. Ông Trump từng bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên hồi năm 2017 với nhiều sắc lệnh hành pháp gây sốc, song chỉ một số được tòa án giữ nguyên, phần lớn đã bị các thẩm phán đảo ngược.
Thanh Danh (Theo Washington Post, Fox, ABC, CNN)