Chuyên mục  


Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 27/5 công bố video cho thấy ít nhất hai tiêm kích hạm J-15 cất cánh từ một căn cứ trên đảo Hải Nam, sau đó tham gia huấn luyện bay biển và tiếp liệu trên không rồi quay về nơi xuất phát. Căn cứ này thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam của quân đội Trung Quốc.

Các chuyên gia quân sự của tạp chí Jane’s ngày 1/6 nhận định các tiêm kích J-15 trên xuất phát từ căn cứ không quân Lăng Thủy trên đảo Hải Nam, phía bắc Biển Đông.

"Đây là lần đầu tiên kể từ giai đoạn 2018-2019 tiêm kích đa năng J-15, do Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương sản xuất, xuất hiện tại căn cứ Lăng Thủy, nơi sư đoàn không quân hải quân số 3 đóng quân", các chuyên gia viết.

Diễn biến này cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực huấn luyện, xây dựng không đoàn trên hạm để phục vụ tham vọng thành lập các nhóm tác chiến tàu sân bay của hải quân nước này.

trung-quoc-dua-tiem-kich-ham-den-bien-dong-1622689754.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ew4PfLVI-syAmMylb9aayg
Trung Quốc đưa tiêm kích hạm đến Biển Đông

Tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc cất cánh từ căn cứ Lăng Thủy trên đảo Hải Nam ngày 27/5. Video: CCTV.

Ảnh vệ tinh chụp ngày 27/1 cho thấy Trung Quốc xây dựng một bãi đáp mô phỏng sàn tàu sân bay ở cuối đường băng phía đông nam của căn cứ Lăng Thủy. Bãi đáp này là nơi cho phi công hải quân Trung Quốc thực hành phương pháp tiếp cận và hạ cánh trên tàu sân bay tại căn cứ trên đất liền.

Bãi đáp mô phỏng được sơn từ tháng 11/2020 và hoàn thiện hồi tháng 1, dài khoảng 206 m và rộng 26 m, tương đương tàu sân bay Sơn Đông. Vị trí hạ cánh của trực thăng, cáp buộc và vị trí dây hãm đà cùng các yếu tố liên quan khác được bố trí giống trên tàu sân bay nội địa Trung Quốc.

Tiêm kích hạm J-15 được Trung Quốc sao chép từ Su-33 của Liên Xô, sau khi nước này mua nguyên mẫu chưa hoàn thiện mang tên mã T-10K-3 từ Ukraine vào năm 2001. J-15 được trang bị hệ thống điện tử, radar, động cơ và vũ khí do Bắc Kinh tự phát triển, nhưng chất lượng của chúng bị nghi ngờ ngay từ đầu.

Phi đội J-15 của Trung Quốc gặp ít nhất 5 tai nạn nghiêm trọng, được cho do vấn đề kỹ thuật, khiến ba phi công thiệt mạng và nhiều người bị thương. Tuy nhiên, chỉ hai vụ được công bố cụ thể trên truyền thông Trung Quốc.

J-15 cũng nằm trong nhóm tiêm kích hạm nặng nề nhất thế giới, với khối lượng rỗng gần 18 tấn và khối lượng cất cánh tối đa 33 tấn. Vấn đề này càng gây khó khăn cho hoạt động tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc, khi những chiếc J-15 phải hạn chế số lượng vũ khí và nhiên liệu để tránh làm quá tải hệ thống cáp hãm đà.

Nguyễn Tiến (Theo Jane's)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020