Chuyên mục  


Cuộc tranh chấp giằng co, kéo dài và đầy kịch tính giữa Tập đoàn FLC và Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình) rốt cuộc cũng đã hạ màn sau khi phiên tòa phúc thẩm theo đơn kháng cáo của FLC tại TAND TP Hà Nội khép lại.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC và ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình (Ảnh: IT).

Theo thông báo của Công ty Luật TNHH ALB & Partners - đơn vị đại diện cho HBC giải quyết các hồ sơ tranh chấp với FLC - trên tinh thần tự nguyện và thiện chí, Hòa Bình và FLC đã đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp của Hợp đồng số 57.

Theo đó, hai bên đã đạt được thỏa thuận giải quyết Hợp đồng số 57. FLC cũng cam kết thanh toán đầy đủ số tiền được các bên thống nhất trong thời hạn 2 tháng, hoàn thành chậm nhất đến ngày 31/7/2021. 

Được biết, tại ngày 28/5, HĐXX phúc thẩm của TAND TP Hà Nội đã ban hành bản án phúc thẩm có để công nhận sự thỏa thuận nêu trên của Hòa Bình và FLC. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay lập tức, kể từ ngày tuyên án.

Trước đó, từ tháng 9/2020, bản án sơ thẩm của TAND quận Cầu Giấy chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Hòa Bình về việc buộc FLC thanh toán cho Hòa Bình khoản nợ còn thiếu phát sinh từ Hợp đồng 57 với tổng giá trị hơn 42 tỷ đồng. Đồng thời, TAND cũng bác toàn bộ yêu cầu phản tố của FLC với số tiền 2,29 tỷ đồng.

Tranh chấp liên quan đến Hợp đồng 57 kéo dài đến nay do FLC kháng cáo, phúc thẩm tại TAND TP Hà Nội.

Diễn biến tranh chấp hai bên trở nên gay cấn và phức tạp hơn khi FLC cho biết đã quyết định khởi kiện Hòa Bình trong ngày 8/3, để tiếp tục làm rõ các vi phạm của Hòa Bình về tiến độ xây dựng và chất lượng xây dựng tại một số hạng mục của dự án FLC Sầm Sơn, với tổng số tiền phạt cũng như bồi thường ước tính gần 80 tỷ đồng. Đồng thời, ngày 9/3, FLC cũng đã có đơn kiến nghị gửi lên TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao.

Phía FLC cho rằng, Hòa Bình đã vi phạm về mặt tiến độ, chất lượng thi công trong quá trình là nhà thầu tại FLC Sầm Sơn, khiến việc thi công bị tê liệt với hàng loạt sai sót nghiêm trọng như: không bố trí đủ nhân công, sử dụng các nhà thầu phụ không đủ năng lực, thi công không giám sát chặt chẽ, nhiều hạng mục sai thiết kế....

Tập đoàn này dẫn chứng, Hợp đồng 57 so với thời điểm tạm bàn giao công trình đưa vào sử dụng (có xác nhận của đơn vị tư vấn), thì hạng mục Club House chậm ít nhất 114 ngày, còn hạng mục Trung tâm Hội nghị Quốc tế chậm ít nhất 110 ngày.

Tuy nhiên, theo như thông báo mới nhất của Hòa Bình thì hai bên đã đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp ở hợp đồng này.

Về Hợp đồng số 18, theo phán quyết trọng tài ngày 14/11/2020, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Hòa Bình, buộc FLC phải thanh toán cho Hòa Bình số tiền hơn 234,85 tỷ đồng.

Phán quyết có giá trị chung thẩm, ràng buộc các bên và có hiệu lực từ ngày 14/11/2020. Ngoài ra, trong trường hợp FLC không thực hiện thanh toán số tiền nêu trên quá 30 ngày kể từ ngày phán quyết có hiệu lực, FLC còn phải thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán với mức lãi suất 12%/năm đối với số nợ gốc hơn 163 tỷ đồng và 10%/năm đối với số tiền còn lại.

Trong ngày 9/3, TAND TPHCM đã bác bỏ yêu cầu của Tập đoàn FLC về việc hủy phán quyết của VIAC và quyết định phán quyết tiếp tục có hiệu lực chung thẩm và bắt buộc thi hành kể từ ngày 14/11/2020.

Trong thông báo của Hòa Bình vừa công bố, với hợp đồng giá trị gần 235 tỷ đồng này, phía FLC đã thực hiện theo phán quyết của Trọng tài quốc tế và đã thanh toán đợt đầu tiên cho Hòa Bình cũng như tiếp tục thỏa thuận để thanh toán cho đợt tiếp theo.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình - cho hay, về mặt pháp lý, tranh chấp giữa hai bên đã đưa ra cấp xét xử cuối cùng và vấn đề hiện tại là việc tuân thủ yêu cầu thi hành án của đối tác. Ông Hải cũng tiết lộ, Hòa Bình đã nhận được 20 tỷ đồng từ phía FLC.

Được biết, các hợp đồng này để thi công xây dựng các hạng mục: Nhà câu lạc bộ, Trung tâm hội nghị; Khu Fusion và Khu Alacarte thuộc Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn do FLC làm chủ đầu tư tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HBC giảm 1,01% còn 14.700 đồng/cổ phiếu trong phiên 2/6 sau khi đã tăng trần ở phiên 1/6. FLC tăng trần lên 13.050 đồng/cổ phiếu phiên 2/6.

Mai Chi

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020