Khu đất vàng 43 ha liền kề trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương tại thành phố mới - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nguồn tin của Tuổi Trẻ ngày 2-6 cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam một số bị can để điều tra về hành vi "vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Các bị can này gồm Nguyễn Đại Dương (56 tuổi), Nguyễn Quốc Hùng (62 tuổi, giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Âu Lạc, quận 1, TP.HCM), Phạm Hữu Hiền (34 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và thẩm định giá Đông Nam, đang làm việc tại Công ty cổ phần đầu tư quốc tế Hoàn Cầu) và Hồ Hoàng Nam (32 tuổi, phó tổng giám đốc Công ty thẩm định giá Đông Nam).
Từ góp vốn đến chuyển nhượng đất
Về vai trò của ông Nguyễn Quốc Hùng, theo hồ sơ dự án khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú (tên pháp lý của "dự án 43ha") cho thấy ông Hùng đã ký vào ít nhất ba văn bản quan trọng liên quan dự án.
Vào năm 2010, Tổng công ty 3-2, do ông Nguyễn Văn Minh làm đại diện (ông Minh lãnh đạo tổng công ty này hàng chục năm, hiện cũng đã bị khởi tố), đã ký hợp đồng thỏa thuận thành lập liên doanh với Công ty Âu Lạc. Trong thỏa thuận hợp tác, hai bên thống nhất thành lập công ty liên doanh với vốn điều lệ 200 tỉ đồng - Tổng công ty 3-2 góp 30%, 70% còn lại do Âu Lạc đóng góp. Thỏa thuận còn có nhiều nội dung về tiến độ góp vốn, xác định giá đất, quyền và nghĩa vụ của các bên...
Sau đó, từ tờ trình của Tổng công ty 3-2, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã có văn bản "đồng ý chủ trương cho tổng công ty được hợp tác với Công ty Âu Lạc để thành lập liên doanh đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án tại khu B có diện tích 43ha".
Đến tháng 12-2016, ông Hùng, lúc này với tư cách là tổng giám đốc của Công ty TNHH đầu tư - xây dựng Tân Phú (do Công ty Âu Lạc chiếm vốn chi phối nên ông Hùng vừa làm tổng giám đốc Công ty Âu Lạc vừa làm tổng giám đốc công ty mới), đã ký văn bản quan trọng là hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất 43ha với giá chuyển nhượng hơn 250 tỉ đồng từ Tổng công ty 3-2. Sau đó, các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 43 ha đã được cập nhật sang tên Công ty Tân Phú.
Tháng 8-2017, ông Hùng ký văn bản quan trọng thứ ba là hợp đồng chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú của Tổng công ty 3-2 sang cho Công ty Âu Lạc. Giá trị phần 30% vốn góp vào năm 2010 là 60 tỉ đồng thì nay các bên thỏa thuận chuyển nhượng với giá trên 161 tỉ đồng.
Như vậy tới lúc này, Công ty Âu Lạc sở hữu 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú, đồng nghĩa với việc toàn quyền quyết định đối với dự án 43ha. Tuy nhiên, sau đó Tỉnh ủy Bình Dương đã "tuýt còi" việc chuyển nhượng 43ha đất và 30% vốn góp của Tổng công ty 3-2 vì cho rằng tổng công ty đã làm sai chủ trương của tỉnh là "chỉ cho góp vốn bằng tiền, không cho góp vốn bằng quyền sử dụng đất".
Ông Nguyễn Đại Dương được tuyên miễn trách nhiệm hình sự khi tòa án xét xử vụ "vũ trường New Century" tại Hà Nội vào năm 2009 - Ảnh: TL
Vai trò của ông Nguyễn Đại Dương thế nào?
Ông Nguyễn Đại Dương, con rể của ông Nguyễn Văn Minh, từng rất "nổi tiếng" khi làm chủ vũ trường New Century tại Hà Nội - nơi từng xảy ra vụ án tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy và kinh doanh trái phép năm 2007. Tuy nhiên, sau đó tại cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Dương đã được miễn trách nhiệm hình sự.
Khi vào Nam và kết hôn với con gái ông Minh, mặc dù gia đình có phần vốn góp tại nhiều công ty trong nhiều lĩnh vực nhưng hoạt động của ông Dương cũng khá kín tiếng. Đối với hai công ty liên quan tới vụ án 43ha là Tổng công ty 3-2 và Công ty Âu Lạc, trên giấy tờ pháp lý không thể hiện ông Dương là quản lý hay sở hữu phần vốn góp nào.
Tuy nhiên, kết quả điều tra ban đầu xác định ông Nguyễn Đại Dương đã có hành vi câu kết, thông đồng với cha vợ là ông Minh chuyển nhượng toàn bộ dự án khu dân cư - thương mại - dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43ha từ Nhà nước sang Công ty Âu Lạc (đơn vị có 100% vốn tư nhân).
Ông Phạm Hữu Hiền, với vai trò là tổ trưởng tổ thẩm định giá, đã có nhiều sai phạm khi "giúp sức" cho nhóm chuyển nhượng dự án dẫn đến 43ha đất vốn là tài sản nhà nước "rơi" vào tay tư nhân. Ông Hiền biết Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất 43ha và đưa khu đất 145ha vào góp vốn tại Công ty CP đầu tư và phát triển Tân Thành là trái với quy định pháp luật.
Tuy nhiên, ông Hiền đã giúp Tổng công ty Bình Dương sắp xếp hai khu đất này vào mục "tài sản chờ thanh lý", không thẩm định giá đưa vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa gây thất thoát tài sản nhà nước.
Được biết, vụ án "43ha đất tại Bình Dương" đã được đưa vào danh sách vụ án do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố tổng cộng 12 bị can trong vụ án gồm 3 cán bộ thuế (nguyên cục trưởng, cục phó và phó phòng của Cục Thuế tỉnh Bình Dương) và 7 lãnh đạo, cán bộ của Tổng công ty 3-2 cùng về tội danh vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Tổng công ty 3-2 trước đây từng do Tỉnh ủy Bình Dương nắm giữ 100% vốn điều lệ, sau đó cổ phần hóa nên thoái vốn nhà nước xuống còn trên 60%. Từng là một trong ba tổng công ty nhà nước lớn nhất tỉnh Bình Dương nên Tổng công ty 3-2 từng được coi là "con cưng", được giao gần 600ha đất sạch ngay "cửa ngõ" TP mới Bình Dương (thuộc địa phận hành chính của phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một).
Thế nhưng, sau khi được giao đất, chỉ có một phần khu đất vàng 600ha được Tổng công ty 3-2 làm sân golf. Với 43ha đất kể trên (cũng nằm trong tổng diện tích 600ha) thì theo điều tra ban đầu, Tổng công ty 3-2 đã chuyển nhượng cho Công ty Âu Lạc với giá 250 tỉ đồng, thấp hơn bảng giá đất quy định của UBND tỉnh Bình Dương thời điểm chuyển nhượng vào năm 2016 (theo bảng giá đất là hơn 376 tỉ đồng).
Như vậy, cơ quan điều tra cho rằng nếu chỉ so với bảng giá nhà nước thì các bị can đã gây thiệt hại hơn 126,8 tỉ đồng.
TTO - Bị can Nguyễn Đại Dương cùng bố vợ là cựu chủ tịch Tổng công ty 3-2 bị cáo buộc đã câu kết chuyển nhượng khu đất 43ha từ Nhà nước sang tư nhân gây thiệt hại tài sản lớn.