Chuyên mục  


Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 15/4 gọi cuộc tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Iran vào lãnh thổ Israel ngày 14/4 là "thất bại ngoạn mục và đáng xấu hổ", khi phần lớn đòn đánh bị ngăn chặn.

Tuy nhiên, các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trụ sở tại Washington, Mỹ, nhận định Iran có thể rút kinh nghiệm và tận dụng thất bại này để học hỏi rồi lên kế hoạch tấn công hiệu quả hơn.

"Chiến dịch tập kích có thể giúp Iran xác định một cách tương đối điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống phòng không Israel", ISW đánh giá. "Iran sẽ nỗ lực cải thiện khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không của Israel theo thời gian như cách Nga thực hiện trong loạt chiến dịch tập kích lặp đi lặp lại nhằm vào Ukraine".

Iran phóng khoảng 120 tên lửa đạn đạo, 30 tên lửa hành trình và 170 UAV nhằm vào Israel để trả đũa vụ tập kích tòa lãnh sự tại Syria hồi đầu tháng 4. Israel tuyên bố nước này và các đồng minh đánh chặn 99% mục tiêu trên không.

Hai quan chức Mỹ cho biết 5 tên lửa đạn đạo Iran đã xuyên qua lưới phòng không Israel và đánh trúng lãnh thổ nước này, trong đó có 4 quả rơi xuống căn cứ Nevatim, nơi bố trí tiêm kích tàng hình F-35I.

Tên lửa phóng từ tổ hợp Vòm sắt của Israel đối phó đòn tập kích của Iran ngày 14/4. Ảnh: AP

Theo chuyên gia Brian Carter và Frederick Kagan tại ISW, dù nhiều tên lửa và UAV Iran bị hạ, số quả đạn có thể xuyên thủng lưới phòng không Israel "đủ gây ra lo ngại". Nếu Iran rút ra bài học từ trận tập kích này, tên lửa và UAV của họ "có thể gây thương vong đáng kể cho dân thường và thiệt hại nặng đối với hạ tầng, trong đó có cảng và cơ sở năng lượng" trong những đòn đánh tương lai.

Trong cuộc tấn công, Iran phóng loạt UAV và tên lửa hành trình trước, nhằm buộc hệ thống phòng không Israel liên tục khai hỏa để đánh chặn, rồi sau đó mới phóng tên lửa đạn đạo.

"Mục đích của đòn tấn công phối hợp này là dùng UAV và tên lửa hành trình có tốc độ bay chậm hơn đánh lạc hướng lẫn áp đảo lưới phòng không đối phương, cho phép tên lửa đạn đạo khó bắn hạ hơn tiếp cận mục tiêu", Carter và Kagan cho biết.

Theo họ, Nga đã thực hiện chiến thuật này khi tiến hành hàng loạt đòn tập kích Ukraine trong một năm qua, khi thường xuyên kết hợp giữa UAV và tên lửa hành trình, tên lửa siêu vượt âm để làm quá tải lưới phòng không Ukraine.

"Các đợt tập kích của Nga nhằm vào Ukraine chứng minh rằng chỉ cần lượng nhỏ đòn tập kích chính xác vào vị trí trọng yếu trong mạng lưới năng lượng hoặc hạ tầng khác là đủ gây ra tác động lớn", các chuyên gia cảnh báo. "Israel và các đối tác không nên tự mãn sau nỗ lực phòng thủ thành công nói trên".

Họ cho rằng Iran có thể đúc rút những kinh nghiệm mới về cách thách thức hiệu quả hơn với hệ thống phòng không phương Tây, từ đó chuyển cho Nga những dữ liệu này để tăng hiệu quả tập kích Ukraine.

4 mũi tập kích của Iran và đồng minh nhằm vào Israel. Bấm vào hình để xem chi tiết

Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng Iran đang "bắt chước" chiến thuật tập kích Ukraine của Nga. Fabian Hinz, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định Iran đã xây dựng chiến thuật tập kích phối hợp UAV và tên lửa để áp đảo hệ thống phòng không đối phương từ lâu trước khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát.

Trong vụ tập kích hai nhà máy lọc dầu của Arab Saudi năm 2019, lực lượng Houthi ở Yemen, được Iran hậu thuẫn, đã sử dụng UAV kết hợp tên lửa hành trình tấn công mục tiêu. Liên Hợp Quốc cho biết Iran sản xuất các loại vũ khí dùng trong đòn đánh nói trên, song không cáo buộc quốc gia Trung Đông là thủ phạm.

Mục đích của Iran trong trận tập kích Israel tuần trước vẫn là chủ đề tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng Iran lên kế hoạch gây ra "thiệt hại đáng kể dưới ngưỡng có thể khiến Israel phản ứng mạnh". Số khác cho rằng Tehran chỉ muốn phát đi thông điệp răn đe, hơn là tung đòn đánh thật sự nhằm vào Israel.

Rodger Shanahan, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Lowy của Australia, nhận định đòn tập kích nhằm "tái lập năng lực răn đe của Iran". Ông cũng cho rằng Israel được các đồng minh, đối tác trong khu vực cảnh báo trước về chiến dịch tấn công, do đó họ có thể phòng thủ tốt hơn nhiều.

Nguyễn Tiến (Theo BI, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020