Trong năm 2024 bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn - Ảnh: TỰ TRUNG
Dù số tiền huy động được lớn, song ngân hàng giữ vị trí chủ lực với giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 300.000 tỉ đồng, cho thấy sự phục hồi nhóm bất động sản và các lĩnh vực khác vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia cho rằng số liệu trên phản ánh việc tiếp cận nguồn vốn dài hạn của doanh nghiệp (DN) còn khó khăn, áp lực tài chính vẫn còn lớn.
Thị trường trái phiếu vốn được kỳ vọng giảm tải cho ngân hàng thì nay lại là kênh ngân hàng vay rồi cho DN vay lại.
Vì sao ngân hàng dồn dập phát hành trái phiếu?
Trong báo cáo trái phiếu DN năm 2024, Fiinratings - một tổ chức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam - cho biết thị trường trái phiếu DN sơ cấp Việt Nam ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ với tổng giá trị phát hành đạt 443.000 tỉ đồng. Đây là dấu hiệu tích cực, phản ánh sức hút lớn của kênh huy động vốn này.
Tuy nhiên theo Fiinratings, ngành ngân hàng vẫn giữ vị trí chủ lực với giá trị phát hành gần 300.000 tỉ đồng, chiếm tới 67,1% tổng thị trường.
"Sự thống trị của ngân hàng không chỉ thể hiện sức mạnh tài chính mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phục hồi", Fiinratings đánh giá.
Ngành bất động sản chứng kiến sự sụt giảm đáng kể ở mức -18,7%, với kỳ hạn phát hành rút ngắn còn 2,65 năm so với 3,72 năm vào năm 2023 và lãi suất coupon tăng lên 11,13% so với 10,93% năm trước.
Số liệu này theo đơn vị phát hành báo cáo, đã phản ánh khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn dài hạn và áp lực tài chính lớn của DN bất động sản trong bối cảnh thị trường chưa phục hồi mạnh mẽ.
Theo số liệu tổng hợp của MBS, một số ngân hàng có giá trị phát hành trái phiếu DN lớn nhất từ đầu năm đến nay gồm có: ACB (36.100 tỉ đồng), HDBank (30.900 tỉ đồng), Techcombank (26.900 tỉ đồng)...
Ông Nguyễn Quang Thuân - chủ tịch Fiinratings - cho biết nhìn cơ cấu phát hành trái phiếu DN năm 2024, ngân hàng thống trị trong khi trái phiếu huy động trực tiếp cho sản xuất kinh doanh còn rất hạn chế với 145.000 tỉ đồng.
Chưa kể, huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đạt 75.000 tỉ đồng cũng chủ yếu là bởi cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán.
"Huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư của khu vực DN tư nhân còn quá hạn chế, không thể chỉ kỳ vọng vào FDI mãi được. Đây là thách thức cho mục tiêu phát triển kinh tế cao 8% trong 2025 và những năm tới đây của Việt Nam", ông Thuân bình luận.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết ngân hàng tăng mạnh phát hành qua kênh trái phiếu còn để ổn định nguồn vốn.
"Lãi suất tiền gửi đang nhích dần lên, phát hành trái phiếu được ưa thích hơn bởi tính ổn định. Thậm chí, dù lãi suất tiền gửi cao hơn so với trái phiếu, nhưng bù lại với kỳ hạn dài 5-7-10 năm, không lo rút ra rút vào ảnh hưởng thanh khoản, ngân hàng sẽ chủ động tính toán nguồn vốn hơn", ông Huân nói.
Lý giải vì sao khu vực sản xuất kinh doanh "vắng bóng" trên thị trường trái phiếu, ông Huân cho biết kênh này chủ yếu hướng tới các DN muốn huy động vốn trung và dài hạn như bất động sản, năng lượng...
Trong khi đó nhiều DN sản xuất thường muốn bổ sung vốn lưu động, ngắn hạn. Chưa kể, các DN đủ điều kiện phát hành cũng không nhiều, chi phí phát hành rất cao cùng mức lãi suất phải hấp dẫn.
"Muốn phát hành ra công chúng càng khó, vừa phải đáp ứng được tiêu chuẩn phát hành từ cơ quan quản lý, vừa cần có uy tín, được xếp hạng tín nhiệm cao mới hy vọng có nhà đầu tư mua...", ông Huân nói.
Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chưa phục hồi - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Năm 2025 sẽ khởi sắc hơn
Ông Dương Thiện Chí - chuyên gia phân tích của Chứng khoán VPBank (VPBanks) - cho biết thị trường bất động sản nói chung và thị trường trái phiếu DN nói riêng vẫn chưa thực sự được khơi thông dù có nhiều nỗ lực từ Chính phủ.
Dữ liệu từ VPBanks, tổng trị giá đáo hạn trong năm 2025 đạt hơn 221.000 tỉ đồng. Trong đó, bất động sản chiếm tỉ trọng 48%, đạt gần 107.000 tỉ đồng. "Áp lực đáo hạn trong năm 2025 dồn vào nửa cuối năm và đỡ áp lực hơn vào nửa đầu năm.
Tuy nhiên chúng tôi cho rằng trong nửa đầu năm 2025, thị trường tiếp tục đối mặt nhiều thách thức và cơ hội, phụ thuộc vào một loạt yếu tố kinh tế vĩ mô, chính sách điều hành, nhu cầu vốn của DN", ông Chí nhận định.
Ông Nguyễn Hữu Huân dự báo năm 2025 ngân hàng vẫn sẽ là nhóm "áp đảo" trên thị trường trái phiếu DN với lượng phát hành cao. Tuy nhiên, vị chuyên gia lo ngại xu hướng này đang phản ánh không đúng vai trò của thị trường trái phiếu DN.
Thông thường DN sẽ vay trực tiếp qua kênh trái phiếu DN hoặc vay gián tiếp từ các định chế tài chính, trong đó có tổ chức tín dụng.
"Ngân hàng hiện nay lại vay lượng lớn trên thị trường trái phiếu, rồi đem qua cho DN vay lại, hưởng chênh lệch lãi suất", ông Huân lo ngại, liệu thị trường trái phiếu có đang "méo mó".
"Thị trường trái phiếu vốn được kỳ vọng giảm tải cho ngân hàng thì nay lại là kênh ngân hàng vay rồi cho DN vay lại. Đáng lẽ nên tạo một sân chơi sôi động cho DN và các "chủ nợ" trực tiếp gặp nhau, không phải thông qua tổ chức trung gian, để đảm bảo nguồn vốn có mức lãi suất hấp dẫn, từ đó thúc đẩy giảm chi phí vốn, tăng biên lợi nhuận", ông Huân phân tích.
Vị chuyên gia nhấn mạnh cần có những giải pháp để DN tham gia trực tiếp vào thị trường vốn, huy động được nguồn vốn lãi suất hợp lý, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu thị trường trái phiếu DN sẽ giảm gánh nặng vốn tín dụng.
Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa thị trường giao dịch thứ cấp, tăng tính thanh khoản cho trái phiếu, ông Huân đề xuất. "Sàn giao dịch đã có nhưng chưa thực sự sôi động, gần gũi với nhà đầu tư", ông Huân cho biết và cho rằng với hành lang pháp lý cho trái phiếu DN, cần chặt chẽ nhưng không được "bóp nghẹt".
Ông Huân cũng dự báo trái phiếu bất động sản năm 2025 sẽ cải thiện tích cực hơn theo chu kỳ phục hồi của thị trường bất động sản.
"Sẽ khó có sự bứt tốc mạnh mẽ, trái phiếu bất động sản vẫn sẽ phục hồi một cách từ từ, nhưng chắc chắn hơn. Điểm khó nhất với trái phiếu bất động sản là lấy lại được niềm tin từ nhà đầu tư sau những đổ vỡ, khủng hoảng thời gian qua", ông Huân nói.
Trong khi một chuyên gia lâu năm trong thị trường trái phiếu DN cho rằng vấn đề hiện nay không nằm ở thị trường vốn vì hạ tầng, sản phẩm, nền tảng nhà đầu tư đã hình thành cơ bản. "Vấn đề bây giờ chủ yếu là chất lượng và năng lực kinh doanh của các tổ chức phát hành", vị này nói.
Nhìn chung, nếu các chủ thể phát hành không nâng được năng lực quản trị, tính chuyên nghiệp, sự minh bạch, uy tín, chất lượng, hiệu quả thực chất thì không đủ tiêu chuẩn tham gia thị trường và nếu có tham gia thì nhà đầu tư cũng không mấy mặn mà.
Các DN kinh doanh minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả luôn dễ dàng phát hành trái phiếu hoặc huy động vốn qua các kênh khác nhau, thậm chí còn bị các nhà đầu tư cạnh tranh để tìm cách cho vay hay đầu tư.
Bà Trần Thị Khánh Hiền - giám đốc khối nghiên cứu Chứng khoán MB (MBS) - cho biết ngân hàng là nhóm có giá trị phát hành cao nhất và tăng mạnh so với năm 2023 với mức lãi suất bình quân gia quyền là 5,6%/năm, kỳ hạn bình quân 5,1 năm.
Theo số liệu tổng hợp của MBS, một số ngân hàng có giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay gồm có: ACB (36.100 tỉ đồng), HDBank (30.900 tỉ đồng), Techcombank (26.900 tỉ đồng).
"Chúng tôi cho rằng ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm bổ sung vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay. Tính từ đầu năm tới ngày 7-12, tín dụng tăng 12,5%, cao hơn so với mức 9% cùng kỳ năm ngoái", bà Hiền cho hay.
Theo chuyên gia MBS, thông thường các ngân hàng sẽ phải trả chi phí cao hơn khi huy động qua trái phiếu, nhưng bù lại kênh này giúp họ vốn cấp 2, đáp ứng tỉ lệ an toàn theo quy định.
"Từ cuối năm ngoái ngân hàng phải giảm tỉ lệ tối đa dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn về 30%, thay vì 34% như trước đây", bà Hiền cho hay.