Giới đầu tư chứng khoán kỳ vọng các diễn biến tích cực về kinh tế khi tổng thống Mỹ đến Việt Nam - Ảnh minh họa: BÔNG MAI
Chứng khoán tuần tới: Sự kiện tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam trở thành tâm điểm
Nhờ tâm lý tích cực của nhà đầu tư khi tiếp nhận Thông tư 06 - ngân hàng nỗ lực "chữa bệnh thừa tiền" và tin Tổng thống Mỹ Biden có kế hoạch đến Việt Nam, thị trường chứng khoán đã khép lại phiên giao dịch tuần này với mức tăng hơn 17 điểm so với tuần trước, VN-Index tạm dừng ở mốc 1.241 điểm, dù trải qua điều chỉnh nhẹ.
Kỳ vọng vào câu chuyện hồi phục cuối năm nay, hàng loạt cổ phiếu ngành thép, chứng khoán, vận tải, hóa chất, dầu khí và xuất khẩu luân phiên tăng khá tốt trong tuần.
Thanh khoản cũng hồi phục đáng kể, đạt gần 27.700 tỉ đồng trên cả ba sàn, tăng 20% so với tuần trước. Điểm chưa thuận lợi là khối ngoại bán ròng hơn 760 tỉ đồng trên toàn thị trường.
Theo thông tin chính thức từ Bộ Ngoại giao, Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam trong hai ngày 10-9 và11-9, theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dự báo về giao dịch tuần tới (11 đến 15-9), ông Đinh Quang Hinh, trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect, nhận định, thị trường có thể đón nhận một số thông tin hỗ trợ liên quan tới chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
"Có một thống kê khá thú vị là trong những lần tổng thống Mỹ sang Việt Nam trước đây, thị trường chứng khoán thường diễn biến khá tích cực. Điều này là do những kỳ vọng về sự cải thiện hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Mỹ và Việt Nam sau mỗi chuyến thăm", ông Hinh cho hay.
Hiện Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ nhì, thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Đồng thời Mỹ đang là nhà đầu tư lớn thứ 11 vào Việt Nam.
Trong chuyến thăm lần này, dự kiến có nhiều doanh nghiệp của Mỹ tháp tùng và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam như Boeing, Google, Walmart...
Những thông tin này sẽ hỗ trợ tích cực cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán, đặc biệt tại nhóm bất động sản khu công nghiệp và các ngành có tỉ trọng xuất khẩu cao sang thị trường Mỹ như thủy sản, đồ gỗ, vật liệu xây dựng.
Ông Nguyễn Thế Minh, giám đốc phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định sự kiện tổng thống Mỹ thăm Việt Nam sẽ có tác động mạnh mẽ đối với thị trường chứng khoán trong nước.
Theo thống kê, trong các lần tổng thống Mỹ đến thăm trước đó (Bill Clinton - năm 2000, G.W.Bush - năm 2006, BarackObama - năm 2016) chỉ số VN-Index đều có diễn biến tích cực.
Dựa vào các thỏa thuận sắp tới, nhà đầu tư chứng khoán có thể đưa ra các quyết định của mình, với kỳ vọng ngành nghề, doanh nghiệp liên quan sẽ có cơ hội phát triển kinh doanh, tận dụng tốt thị trường của hai nước.
Diễn biến tích cực của VN-Index khi các tổng thống Mỹ đến Việt Nam - Nguồn: YSVN
Định giá cổ phiếu không còn quá rẻ, cần chiến lược linh hoạt hơn
Ông Đinh Quang Hinh cũng lưu ý thị trường chứng khoán vẫn đang chịu áp lực về vấn đề tỉ giá. Giữa lúc tỉ giá tăng, áp lực lạm phát quay trở lại vào cuối năm, dư địa chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước có thể bị thu hẹp đáng kể.
Bên cạnh đó P/E (thị giá trên thu nhập cổ phiếu) của chỉ số VN-Index hiện đã lên mức 14,8 lần, không còn rẻ như hồi đầu năm. Trong bối cảnh định giá không còn rẻ, nhà đầu tư nên chiến lược linh hoạt hơn, duy trì tỉ trọng danh mục ở mức cân bằng (70% cổ phiếu) và hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính.
Nếu chỉ số VN-Index tiếp tục tăng lên ngưỡng cao hơn - quanh 1.280 điểm, có thể cân nhắc chốt lời một phần và chờ đợt điều chỉnh để mua lại. Ngược lại, nếu chỉ số này điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.200-1.220 điểm thì có thể gia tăng cổ phiếu.
Về chiến lược tuần, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, các chỉ số kĩ thuật cho thấy áp lực bán vẫn tiếp tục xuất hiện tại vùng đỉnh cũ, thị trường sẽ có những nhịp rung lắc điều chỉnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, xu hướng chính của thị trường vẫn là đi lên.
Theo đó, nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn có thể căn nhắc bán lướt sóng và tận dụng những nhịp rung lắc để mua lại đối với những cổ phiếu thuộc ngành chứng khoán và điện. Đối với chiến lược dài hạn, nhà đầu tư vẫn tiếp tục duy trì tỉ trọng và có thể gia tăng nếu cổ phiếu cho tín hiệu kiểm tra lại thành công các vùng hỗ trợ.
Đối diện vùng cản 1.250 điểm, hướng tới mốc 1.300 điểm trong trung hạn
Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng về tình hình vĩ mô, nhìn chung kinh tế vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực nhưng không xấu đi. Điểm sáng là lãi suất của Việt nam đang có xu hướng giảm, các tổ chức kinh tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ thế giới... đang điều chỉnh tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dù vẫn ở mức thấp.
Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Thị trường chứng khoán đã vượt qua nhịp điều chỉnh quan trọng và đang hồi phục trở lạ. Hiện VN-Index đối diện ngưỡng cản ngắn hạn 1.250 điểm, cần thêm thời gian để hình thành vùng tích lũy mới, chuẩn bị cho khả năng hướng tới mốc cao hơn tại ngưỡng cản mạnh trung hạn 1.300 điểm.