Chuyên mục  


Là người Việt đầu tiên trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán được cử sang Mỹ học vào năm 1995. Thời điểm đó, một bức thư gửi về Việt Nam phải mất cả tháng trời, một phút gọi điện thoại từ Mỹ về quê nhà là 50 USD và có những tháng chị phải bỏ ra cả 1.000 USD chỉ để gọi điện thoại về cho con…

Chia sẻ tại Diễn đàn "Lãnh đạo tạo đột phá: Khởi nguồn từ bản thân" do Hội nữ Doanh nhân TP HCM diễn ra mới đây, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam (một trong những công ty kiểm toán lớn nhất Việt Nam, thành viên của Deloitte toàn cầu) lần đầu tiên kể về những khó khăn, vất vả khi được cử đi học ở Mỹ hơn 20 năm trước.

"Đây là những chuyện lần đầu tôi chia sẻ" – bà Thanh nói trước khoảng gần 500 đại biểu với phần lớn là các nữ doanh nhân có mặt tại diễn đàn.

Bà Hà Thu Thanh chia sẻ trước hàng trăm doanh nhân nữ về nỗ lực của bản thân trong quá trình lập nghiệp.

Khoảng năm 1995, khi đang là Phó tổng giám đốc thứ 1 của Công ty Kiểm toán Việt Nam (VACO), tiền thân của Deloitte Việt Nam hiện nay, bà được cử sang Mỹ học. Với mức học phí được trợ cấp khoảng 48.000 USD/năm, thời điểm đó là cả tài sản lớn.

"Nhưng khi qua Mỹ, tôi mới biết rằng có vô vàn khó khăn. Tiếng Anh chỉ đủ giao tiếp, quá cách biệt so với đặc thù công việc, nghề nghiệp. Bây giờ chúng ta đã quá quen thuộc với mạng internet, mạng xã hội… nhưng thời điểm đó mọi người chỉ dùng máy fax" – bà Thanh mở đầu câu chuyện.

Mỗi ngày, sếp ở Mỹ nhắn tin vào hộp thư thoại (voice mail) giao công việc, nhưng cả ngày không thấy bà trả lời vì chưa biết tin nhắn đó nằm ở đâu, kiểm tra như thế nào. Bà kể mình từng thức cả đêm đến hôm sau, thức 30 giờ  để hoàn thành công việc của người khác làm trong 18 giờ vì nền tảng về tư duy kinh doanh, về tài chính, kế toán, kiểm toán ở Việt Nam thời điểm đó so với người Mỹ quá cách biệt.

"Nhưng trên hết là nỗi nhớ nhà, được cử đi học trong điều kiện con nhỏ, chồng đi bộ đội. Tôi được cấp cho một căn hộ công ty thuê cho rất đẹp nhưng nhìn ra phía ngoài thăm thẳm. Mỗi buổi chiều đi làm về, tôi không biết con cái ăn học ra sao, một bức thư gửi về Việt Nam thời điểm đó khoảng 1 tháng mới tới. Mỗi phút gọi điện thoại về là 50 USD, có tháng tôi phải tốn cả 1.000 USD chỉ để gọi điện về cho con. Tôi nhớ nhà đến phát ốm, đó là nỗi khổ tâm của người phụ nữ" – người đứng đầu Deloitte Việt Nam nhớ lại.

Nhiệm vụ của bà thời điểm đó là tới Mỹ để học về cách tổ chức quản lý công ty để về Việt Nam mở một công ty tương tự. "Có quá nhiều thứ khó khăn, tôi không biết lái xe trong khi ở Mỹ mọi người phải tự lái xe đi làm nên phải thường xuyên đứng hàng giờ để chờ xe buýt, đi nhờ xe, nếu đi lạc sẽ mất thêm 15-20 phút nữa… Nhiều đêm tôi không ngủ được, tôi bị stress. Rất nhiều buổi chiều phải khóc, rất nhiều đêm rơi nước mắt của sự nỗ lực, cố gắng mà không đạt sau 3 tháng. Khi tôi gọi điện về nhà, câu đầu tiên con gái tôi nói là "mẹ ơi con nhớ mẹ lắm" nhưng câu cuối lại là "mẹ ơi mẹ cố gắng nhé". Ông sếp người Mỹ nói với tôi rằng nếu tôi đi học về thành công sẽ mở đường cho nhiều người Việt khác được qua Mỹ học trong ngành này" – bà Thanh kể.

Và chính sự kiên định đã giúp bà vượt qua những giai đoạn khó khăn. Kiên định giúp mọi người đi mà không ngã, đi đúng con đường mình đã chọn, kiên định vào lúc đó để bám víu vào những giá trị.

Sau hàng chục năm trong nghề và nhiều năm ở vị trí cao nhất của Deloitte Việt Nam, bà Thanh cho biết điều bà tự hào là doanh nghiệp có những đội ngũ người Việt có năng lực, có đẳng cấp, có kinh nghiệm quốc tế và rất nhiều nhiều chuyên gia nước ngoài dưới sự lãnh đạo của người Việt. Lương của người Việt ở nhiều vị trí lãnh đạo còn cao hơn lương của chuyên gia nước ngoài.

Bà Hà Thu Thanh đã có 28 năm gắn bó với Deloitte Việt Nam, từ khi công ty mới thành lập năm 1991 và có hơn 16 năm ở vị trí Tổng giám đốc. Hiện bà là Chủ tịch Hội đồng thành viên của Deloitte Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam... Bà được Tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong "50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam" 2 năm liên tiếp 2017 và 2019.

Thái Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020