Chuyên mục  


Vài tuần gần đây, ngành giải trí Hàn Quốc chao đảo vì scandal của hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng. Ca sĩ Jung Joon-young đã bị bắt hôm qua vì quay lén video quan hệ tình dục với ít nhất 10 phụ nữ và chia sẻ trong nhóm chat với bạn bè, trong đó có nhiều ca sĩ thần tượng khác. Thành viên nhóm nhạc Big Bang - Seungri còn bị cáo buộc hối lộ cảnh sát, môi giới mại dâm và chuốc thuốc các cô gái tại hộp đêm của mình để khách hàng giở trò.

Những tin tức này đã khiến người hâm mộ âm nhạc trong nước và quốc tế bị sốc bởi K-pop là ngành công nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc. Không chỉ mang lại doanh thu trực tiếp khổng lồ cho ngành giải trí, âm nhạc còn góp phần quảng bá du lịch và thúc đẩy xuất khẩu hàng tiêu dùng cho nước này.

2 thập kỷ qua, sự tăng trưởng liên tục của kinh tế Hàn Quốc có phần đóng góp đáng kể của ngành công nghiệp giải trí. Làn sóng văn hóa Hàn Quốc trên toàn thế giới, bao gồm cả phim ảnh và âm nhạc, đã vực dậy hình ảnh và kinh tế nước này, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Nhóm nhạc BTS tham gia một chương trình tại Mỹ năm ngoái. Ảnh: AFP

Kinh tế Hàn Quốc khi đó chịu thiệt hại nặng, với thâm hụt vãng lai lớn, tăng trưởng nhiều ngành công nghiệp lao dốc và nguy cơ vỡ nợ lan tràn. Tổng thống Hàn Quốc thời đó - Kim Dae-jung đã chọn cách đầu tư vào ngành giải trí, coi đây là cỗ máy tăng trưởng, đồng thời cải thiện hình ảnh quốc gia. Chính phủ Hàn Quốc tin rằng việc này có thể thúc đẩy kinh doanh và du lịch.  

Các tổ chức như Cục Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc và Hội đồng Phim Hàn Quốc được thành lập để quảng bá văn hóa sang các nước khác. Năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cũng được lập ra, với một cơ quan đặc biệt để quảng cáo cho K-pop.

Hàn Quốc đầu tư rất mạnh tay cho cơ sở vật chất và công nghệ để phục vụ quảng bá văn hóa. Kể từ thập niên 90, rất nhiều sân khấu biểu diễn đã được xây dựng. Công nghệ hologram cũng được nghiên cứu và sử dụng phổ biến. Tất cả những nơi công cộng ở Seoul đều có wifi miễn phí. Khu Changdong ở thủ đô Seoul thì được phát triển thành điểm đến văn hóa lớn cho hoạt động du lịch K-pop.

Psy biểu diễn ca khúc nổi tiếng - Gangnam Style. Ảnh: Pri

Năm 2012, ca khúc Gangnam Style của nam ca sĩ Hàn Quốc - Psy trở thành hiện tượng trên toàn cầu. Không nhiều người hiểu ý nghĩa của bài hát, nhưng âm nhạc bắt tai và điệu nhảy cưỡi ngựa đã giúp nó nhanh chóng nổi tiếng. Video này đạt 100 triệu lượt xem trên YouTube chỉ 51 ngày sau khi phát hành. Hiện tại, nó vẫn là một trong những video được xem nhiều nhất trên nền tảng này, với 3,3 tỷ lượt.

Năm 2018, nhóm nhạc nam Hàn Quốc - BTS cũng là nghệ sĩ K-pop đầu tiên có album đứng đầu bảng xếp hạng Billboard 200. Đây cũng không phải lần đầu tiên album K-pop xuất hiện trong Billboard. Năm 2009, album tiếng Anh đầu tiên của nữ ca sĩ BoA cũng góp mặt trong Billboard 200. Cùng năm đó, bản tiếng Anh ca khúc Nobody của nhóm nhạc nữ Wonder Girls cũng là single đầu tiên từ Hàn Quốc xuất hiện trong Hot 100.

Theo báo cáo năm 2017 của Cục Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, quy mô ngành công nghiệp âm nhạc nước này đã lên tới 5 tỷ USD. Làn sóng quảng bá văn hóa đã thực sự tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty Hàn Quốc trong mọi lĩnh vực. Họ có cơ hội tăng doanh thu, mở rộng hoạt động, thậm chí tấn công sang thị trường mới. Các công ty nước ngoài cũng coi Hàn Quốc là thị trường tiềm năng mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nền kinh tế văn hóa phát triển nhanh cũng thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng liên quan. Thời trang, thực phẩm, thậm chí phẫu thuật thẩm mỹ cũng được người hâm mộ ưa chuộng. Trong đó, ngành công nghiệp làm đẹp của Hàn Quốc có sức tăng trưởng lớn nhất.

SCMP trích báo cáo của Viện Nghiên cứu Hyundai cho biết với mỗi 1% tăng trưởng trong xuất khẩu sản phẩm văn hóa, xuất khẩu hàng tiêu dùng nói chung của Hàn Quốc cũng tăng thêm 0,03%, đóng góp đáng kể cho kinh tế nước này. Một nghiên cứu của Đại học London cũng ước tính Hàn Quốc nhận lại 5 USD với mỗi USD chi cho K-pop. Con số thu về không chỉ từ âm nhạc, mà còn từ bán các mặt hàng khác của Hàn Quốc, như điện thoại hay TV.

Thậm chí, sự thành công của một nhóm nhạc cũng có tác động đáng kể lên thị trường chứng khoán Hàn Quốc. "Trong 5 ngày sau khi BTS đứng đầu bảng Billboard 200 vào ngày 28/5, giá cổ phiếu các công ty giải trí đã tăng vọt", Business Korea cho biết. Họ ước tính giá trị Big Hit Entertainment - công ty quản lý của BTS là hơn 1.000 tỷ won.

Hannah Waitt - đồng sáng lập kiêm CEO moon-ROK - website chuyên cung cấp tin tức về nghệ sĩ Hàn Quốc cho biết: "Tôi nghĩ rằng K-pop đã kích thích kinh tế Hàn Quốc bằng cách thúc đẩy du lịch. Người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến Hàn Quốc để xem show diễn và trải nghiệm trực tiếp nền văn hóa này".

Ngoài du lịch, nhu cầu học tiếng Hàn cũng tăng cao. BBC cho biết để hiểu lời các bài hát nổi tiếng, người dân nhiều nước, từ Mỹ, Canada, Thái Lan đến Algeria đã đổ đi học tiếng Hàn. Chính phủ Hàn Quốc cũng đóng vai trò tích cực trong việc này, khi thành lập khoảng 130 viện ngôn ngữ tại 50 quốc gia.

Người Hàn Quốc cũng rất tự hào về K-pop. Trên Economic Times, Band Ji Choel - một người hâm mộ âm nhạc nước này cho biết: "Toàn cầu đang nói về K-pop, đưa Hàn Quốc thành tâm điểm chú ý. Điều này không chỉ là sự xuất sắc về công nghệ nữa, mà còn là sự phổ biến về văn hóa".

Hà Thu (tổng hợp)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020