Chuyên mục  


"Gió lớn đã xuất hiện ở khu tôi ở trước đó vài hôm. Tối hôm cháy xảy ra, gió rất khủng khiếp khiến nhà tôi rung lên, bên ngoài bụi mù mịt", Nguyễn Hoàng Lan, sinh viên Đại học El Camino College ở Los Angeles, kể lại thời điểm cháy rừng bùng phát ngày 7/1 ở Pacific Palisades, bang California, Mỹ, cách nơi cô sống khoảng 30 km.

Sáng hôm sau, Lan ra ngoài từ sớm và lập tức ho sặc sụa, mắt cay xè vì khói khét lẹt lan tới theo gió mạnh. Cô mô tả cảnh tượng xung quanh "không khác gì tận thế", khi khói do cháy rừng tụ thành đám mây đen khổng lồ che kín trời, tro bụi bay khắp nơi.

Một cư dân đứng giữa khu đổ nát ở Pacific Palisades, Los Angeles, ngày 8/1. Ảnh: AP

"Tro bụi bám trên xe cộ, ngoài vườn. Khung cảnh thực sự đáng sợ và ảm đạm làm tim tôi đập mạnh, nhưng người dân vẫn đi học và đi làm. Tối về tôi vẫn còn thấy thoang thoảng mùi khói", Lan nói.

Theo các nhà khoa học, gió Santa Ana cực mạnh, loại gió đông bắc ấm và khô thổi từ miền nam California tới khu vực ven biển, là yếu tố khiến đợt cháy rừng lần này bùng phát dữ dội và lan rất nhanh. Những trận gió với tốc độ lên tới 160 km/h khiến các đám cháy bốc cao và lan rộng nhanh hơn, vượt tầm kiểm soát của cơ quan cứu hỏa.

Kể từ ngày 7/1, ba đám cháy Pacific Palisades, Eaton và Hurst cùng một số đám cháy nhỏ hơn đã hợp thành tam giác "bão lửa" có tổng diện tích hơn 11.600 hecta, làm hư hại hoặc thiêu rụi hoàn toàn hơn 10.000 công trình, khiến hơn 180.000 người phải sơ tán ở Los Angeles. Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả là đây là thảm họa cháy rừng "lan rộng nhanh và tàn khốc nhất lịch sử California".

Vị trí các vụ cháy rừng trong hạt Los Angeles và khu vực lân cận, phía nam bang California. Theo Mapbox

Nguyễn Hoàng Thạch Thảo, nhân viên luật sinh sống ở Westwood, cách đám cháy Pacific Palisades khoảng 8 km, ngày 10/1 cho biết gió đã giảm cường độ, song tình hình vẫn căng thẳng sau ba ngày hỏa hoạn hoành hành.

Thảo cho hay không khí ở Westwood ô nhiễm nặng vì khói bụi từ cháy rừng. Các trường học trong khu vực thông báo đóng cửa, trong khi giới chức phát cảnh báo khuyến cáo người dân đeo khẩu trang và không rời khỏi nhà.

"Công ty của tôi cũng gửi email cho phép nhân viên nghỉ làm, hoặc có thể tới các trụ sở của công ty nương náu nếu nhà bị cháy hoặc ảnh hưởng", Thảo nói.

Tình hình khói bụi tồi tệ đến mức tối 8/1, Thảo quyết định lái xe rời thành phố Westwood xuống Laguna Beach ở phía nam để tránh không khí ô nhiễm.

Hoài Anh, học viên cao học tại UC Riverside, gần nơi đám cháy Eaton bùng phát, cho biết chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Rosemead, nơi cô sinh sống, tăng lên 154 so với mức thông thường khoảng 30. Điện cũng bị cắt khi đám cháy bùng phát.

Ảnh vệ tinh cột khói khổng lồ bốc lên từ đám cháy ở Pacific Palisades. Ảnh: AFP

Lực lượng cứu hỏa Los Angeles cho biết gió mạnh và thời tiết khô hạn sẽ khiến nỗ lực dập lửa phức tạp thêm vào tuần tới. Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ cũng phát cảnh báo tương tự, nhưng cho biết gió đã lặng hơn, đủ điều kiện để trực thăng cứu hỏa có thể tham gia hỗ trợ.

Phuc Ngo, kỹ sư ở hạt Orange lân cận, cho biết nơi anh sống không bị ảnh hưởng bởi cháy rừng, nhưng có thể thấy rõ đám khói đen khổng lồ bốc lên từ rất xa.

Dù đã sinh sống 9 năm ở Mỹ, đây là lần đầu tiên Ngo chứng kiến cháy rừng tàn phá quy mô lớn như vậy vào mùa đông ở miền nam California. Các đám cháy rừng trước đây chủ yếu xảy ra vào mùa hè, ở miền bắc bang. "Tôi rất buồn và cầu nguyện cho những người chịu thiệt hại nặng", Ngo nói.

Theo dữ liệu của AccuWeather, các đám cháy hoành hành ở Los Angeles đang tàn phá một số khu vực bất động sản đắt đỏ nhất nước Mỹ, nơi nhà cửa có giá trị trung bình hơn hai triệu USD mỗi căn. Thiệt hại vật chất và tổn thất kinh tế có thể lên đến 52-57 tỷ USD.

Anh Ngo cho biết bạn bè anh là người bản địa và người gốc Việt đã bắt đầu mở các quỹ trực tuyến để quyên góp ủng hộ những người bị ảnh hưởng. Mạng xã hội cũng tràn ngập các bài đăng chia sẻ nơi trú ẩn, dịch vụ y tế, thức ăn miễn phí.

Người dân Los Angeles chờ bên ngoài trung tâm nhân đạo xã hội Pasadene, ngày 8/1. Ảnh: Reuters

Chị Thảo ở Westwood cũng cho hay nhiều bạn bè người Mỹ của cô mất nhà cửa trong đám cháy đã nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng. Nhiều nhà hàng, khách sạn, ứng dụng taxi triển khai các chương trình hỗ trợ người bị ảnh hưởng trong đám cháy.

Sau hai ngày "lánh nạn" ở Laguna Beach, Thảo dự định về Westwood vào ngày mai để quyên góp quần áo, nhu yếu phẩm cho bạn bè và giao thức ăn cho lính cứu hỏa.

Cháy rừng thường xảy ra ở miền tây Mỹ, nhưng các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến hiện tượng này. Khu vực miền nam California đã trải qua hai thập kỷ hạn hán, sau đó là hai năm mưa đặc biệt nhiều, khiến các thảm thực vật phát triển mạnh và dễ bùng cháy.

Nhiều người dân địa phương cũng cảm nhận rõ hơn cảnh báo của giới khoa học rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan đang tăng tần suất, cường độ.

"Có lẽ biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến mọi thứ. Thế giới đang trong tình cảnh tồi tệ và chúng ta cần hành động nhiều hơn nữa", Debbie Collins, chủ cửa hàng ở Los Angeles, cho hay.

Đức Trung

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020