Chuyên mục  


Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên bao gồm toàn tỉnh Thái Nguyên bao gồm toàn tỉnh với tổng diện tích tự nhiên 352.196ha, 9 đơn vị hành chính: 3 thành phố ( Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) và 6 huyện (Định Hoá, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Bình). 

Theo đó, quy hoạch này đặt ra mục tiêu nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững đồng thời; xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh thành phát triển ở miền Bắc. 

Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên dự kiến sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại và thông minh của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Mục tiêu này đặt ra yêu cầu cải tiến và hiện đại hóa các ngành công nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự phát triển các khu công nghiệp mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đến năm 2030, Thái Nguyên sẽ phấn đấu trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, và cơ khí chế tạo có trình độ cao. Ngoài ra, tỉnh còn hướng tới trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

photo-1720153314786-172015331517725737335.png

Đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, từ ngày 1/1/2023 muốn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương các tỉnh phải đáp ứng đủ 5 tiêu chí: Quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính trực thuộc, cấp độ đô thị được công nhận và cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

Chiếu theo 5 chỉ tiêu này, đồng thời, xét về thực tế và cơ hội, khả năng phát triển của tỉnh Thái Nguyên thì việc hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương của tỉnh trong giai đoạn 2030-2050 là hoàn toàn khả thi. 

Đồng thời, tỉnh Thái Nguyên đặt ra một số mục tiêu cụ thể được xác định: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 8% đến 8,5%/năm; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60%, dịch vụ chiếm khoảng 32,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,2%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.900 USD...

Địa phương nắm giữ loại khoáng sản quan trọng trong ứng dụng công nghiệp

Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam có trữ lượng vonfram đạt khoảng 100 nghìn tấn, đứng thứ 3 thế giới. Hiện nay, vonfram được dùng làm vật liệu chống mài mòn, sử dụng trong các công nghiệp gia công kim loại, khai thác mỏ, dầu khí và xây dựng. Ngoài ra, vonfram còn được sử dụng trong các ngành công nghiệp như ô tô, năng lượng, xây dựng, hàng không vũ trụ cũng như các ứng dụng quân sự, hàng không và sản xuất điện.

Đây là loại kim loại gần như không thể thay thế trong một loạt các ứng dụng công nghiệp như sản xuất máy hiệu suất cao và các hợp kim thép.

Trên thực tế, Thái Nguyên là tỉnh đang nắm giữ 90% trữ lượng vonfram của Việt Nam. Thái Nguyên nằm trong vùng sinh khoáng Đông Bắc Việt Nam, thuộc vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương.

photo-1720153038540-1720153038749127723052.png

Nhà máy chế biến khoáng sản tại mỏ đa kim Núi Pháo

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với trên 200 điểm mỏ, gồm nhiều loại khoáng sản như vonfram, than, sắt, thiếc, chì, kẽm...

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như: mỏ vonfram đa kim trữ lượng lớn nhất cả nước và lớn thứ ba thế giới ở khu vực Núi Pháo (huyện Đại Từ); than trữ lượng khoảng 90 triệu tấn (đứng thứ 2 cả nước) tập trung ở các mỏ Núi Hồng, Làng Cẩm (huyện Đại Từ), Phấn Mễ (huyện Phú Lương), Khánh Hòa (TP Thái Nguyên); quặng sắt trữ lượng khoảng 50 triệu tấn tập trung chủ yếu tại Trại Cau (huyện Đồng Hỷ)…

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, sản lượng vonfram từ mỏ Núi Pháo ở Thái Nguyên chiếm khoảng 33% sản lượng vonfram toàn cầu nếu không tính nguồn cung từ Trung Quốc, có quy mô lớn thứ 2 thế giới. Đây là một trong những mỏ có trữ lượng vonfram đã được nhận diện lớn nhất thế giới ở ngoài Trung Quốc, với 52,5 triệu tấn quặng WO3 phẩm cấp trung bình 0,21%...

Tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên phong phú về chủng loại, trong đó có nhiều loại có ý nghĩa trong vùng và với cả nước như: vonfram, sắt, than (đặc biệt là than mỡ). Điều này tạo nên lợi thế trong việc phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp luyện kim, góp phần đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp luyện kim lớn.

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050 phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Trong số các tỉnh thành đã được phê duyệt quy hoạch, đến năm 2050, cả nước có thêm 15 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, khu vực miền Bắc có 8 tỉnh: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hưng Yên (giai đoạn từ nay đến 2030); Ninh Bình (giai đoạn 2030-2035); các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương và Thái Nguyên (giai đoạn đến năm 2050).

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên sẽ có 4 tỉnh định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Thừa Thiên - Huế (2025); Khánh Hòa (giai đoạn đến năm 2030), Lâm Đồng, Quảng Nam (giai đoạn đến năm 2050).

Khu vực miền Nam có 3 tỉnh được định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương (giai đoạn từ nay đến 2030); Đồng Nai (giai đoạn 2030-2035).

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020