Chuyên mục  


Hai trận tập kích bằng tên lửa đạn đạo Iskander của Nga ngày 1/7 và 2/7 nhằm vào sân bay quân sự Mirgorod ở tỉnh Poltava, miền trung Ukraine phá hủy 5 tiêm kích Su-27 trong trạng thái chiến đấu, hai chiếc đang sửa chữa, một trực thăng vũ trang Mi-24 và nhiều phương tiện kỹ thuật.

Ngày 3/7, tên lửa Iskander đánh trúng căn cứ không quân Dolgintsevo thuộc tỉnh Dnipro, phá hủy một tiêm kích MiG-29, nhiều vũ khí hàng không và các phương tiện kỹ thuật. Hai cường kích Su-25 Ukraine tại cơ sở này được cho là bị hư hại trong trận tập kích.

Lực lượng Nga đều sử dụng phương tiện bay không người lái (drone) để ghi lại các trận tập kích nói trên. Sân bay Mirgorod nằm cách biên giới Ukraine - Nga khoảng 150 km, còn căn cứ Dolgintsevo cách tiền tuyến khoảng 100 km.

khoanh-khac-nga-tan-cong-loat-tiem-kich-su-27-o-can-cu-ukrai-1719884866.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Kla8Nu4zbAKA2f_ZXYdtIQ
Khoảnh khắc Nga tấn công loạt tiêm kích Su-27 ở căn cứ Ukraine

Tên lửa Nga đánh trúng sân bay Mirgorod, tỉnh Poltava, Ukraine ngày 1/7. Video: Telegram/Fighter Bomber

Giới chuyên gia phương Tây nhận định các trận tập kích cho thấy Nga có thể điều khiển drone trinh sát bay sâu vào hậu phương Ukraine, đảm bảo thông tin tình báo trực tiếp và chỉ thị mục tiêu cho đòn tập kích bằng tên lửa đạn đạo.

"Vấn đề chính là Ukraine thiếu tổ hợp phòng không tầm gần và cực gần", Konrad Muzyka, người đứng đầu nhóm phân tích nguồn mở Rochan Consulting, nhận định. "Điều này khiến Ukraine không thể hạ drone của Nga".

Video các trận tập kích cho thấy drone của Nga không chỉ có khả năng di chuyển sâu vào lãnh thổ Ukraine, mà còn có thể bay treo trong thời gian lâu mà không bị phát hiện để truyền về vị trí chính xác của mục tiêu.

Theo một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu, lực lượng Nga có khả năng dùng một drone làm bộ tiếp sóng để tăng phạm vi hoạt động cho phương tiện trinh sát.

Trong khi đó, việc phòng không Ukraine không thể đánh chặn tên lửa Nga bằng các tổ hợp phương Tây như Patriot, Iris-T hoặc SAMP/T chứng minh cho lời phàn nàn lâu nay của họ về việc thiếu đạn dược.

Vị trí Mirgorod và Dolgintsevo. Đồ họa: WP

Tổng thống Volodymyr Zelensky trong nhiều tháng cho biết Ukraine không đủ hệ thống phòng không để đối phó tên lửa Nga, đồng thời đề nghị phương Tây viện trợ thêm. Theo ông Zelensky, Ukraine cần ít nhất 7 khẩu đội Patriot để ngăn các trận tập kích của Nga.

"Ukraine có số lượng hạn chế tổ hợp phòng không tầm xa và cần chọn mục tiêu ưu tiên bảo vệ. Họ không thể phủ lưới phòng không đối với toàn bộ thành phố, hạ tầng quan trọng và căn cứ không quân, do đó có lẽ buộc phải lựa chọn và bỏ mặc một số nơi", Muzyka nói.

Sau cuộc phản công thất bại năm 2023, các quan chức và chỉ huy quân đội Ukraine nhận định thiếu ưu thế trên không là yếu tố chính ngăn quân đội nước này tiến công trên chiến trường.

"Ưu tiên năm 2024 của chúng tôi là đánh bật Nga ra khỏi bầu trời", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hồi tháng 2 tuyên bố. "Bên nào kiểm soát bầu trời sẽ quyết định thời gian và cách thức cuộc xung đột kết thúc".

Lô tiêm kích F-16 đầu tiên có thể đến Ukraine sớm nhất trong vài tuần nữa. Ukraine coi F-16 là một trong các giải pháp để thực hiện mục tiêu kiểm soát bầu trời. Trong khi đó, Nga nhiều lần tuyên bố sẽ nhắm mục tiêu và phá hủy bất cứ chiếc F-16 nào mà phương Tây viện trợ cho Ukraine.

"Loạt đòn tập kích mới mà Nga thực hiện không phải yếu tố thay đổi cục diện, song là tín hiệu đáng lo ngại và cho thấy họ sẵn sàng đối phó việc triển khai F-16 của Ukraine", chuyên gia quân sự Italy Alessandro Marrone nhận định.

"Châu Âu kỳ vọng rất cao vào đợt chuyển giao tiêm kích F-16 này, song chúng ta cần thận trọng khi đánh giá rủi ro đối với những tài sản đó trong các lần xuất kích lẫn khi chúng đỗ tại sân bay của Ukraine", Marrone cho biết.

ten-lua-iskander-nga-tap-kich-bien-doi-mig-29-su-25-ukraine-1720067887.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rViZ8SiE-cUefJKGIiPoCg
Tên lửa Iskander Nga tập kích biên đội MiG-29, Su-25 Ukraine

Đòn tập kích của Nga nhằm vào sân bay Dolgintsevo ngày 3/7. Video: TASS

Một số quan chức Ukraine chỉ trích các chỉ huy quân đội khi cho tiêm kích đỗ ngoài trời tại những sân bay mà Nga tập kích, thay vì cất chúng trong công trình bảo vệ.

"Nếu chúng ta tiếp tục mất máy bay theo cách này, sẽ không ai viện trợ thêm nữa", Roman Kostenko, chủ tịch Ủy ban An ninh, Quốc phòng và Tình báo của quốc hội Ukraine, cảnh báo.

Tuy nhiên, ông Kostenko thừa nhận không có giải pháp nào dễ thực hiện để bảo vệ tiêm kích Ukraine trước các đòn tập kích của Nga, khi boong-ke bằng bê tông cũng khó lòng chống chịu trước đòn tấn công bằng tên lửa mang đầu đạn nổ mạnh.

Chuyên gia Muzyka nhận định Ukraine có thể phải cho F-16 bay chuyển sân khá thường xuyên và hoài nghi khả năng triển khai tiêm kích này gần tiền tuyến, nơi chúng dễ trúng đòn tập kích hơn.

Tuy nhiên, Muzyka chỉ ra rằng bản thân F-16 có thể tự bảo vệ mình khi tiêm kích này "có thể nhắm mục tiêu vào drone trinh sát hoặc tên lửa đang bay tới, qua đó tác động tới khả năng Nga triển khai đòn tập kích nhằm vào căn cứ không quân đối phương".

Nguyễn Tiến (Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020