Chuyên mục  


quoc-hoi-1717772565867204337852.jpeg

Ảnh: quochoi.vn

Hôm nay, Quốc hội họp ngày cuối của đợt 1 kỳ họp thứ 7

Theo chương trình, hôm nay (8-6), Quốc hội sẽ làm việc ngày cuối của đợt 1 kỳ họp thứ 7.

Trong ngày làm việc cuối của đợt 1, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về tờ trình đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Sau đó, thảo luận tổ về các dự Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Vào buổi chiều, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Biểu quyết thông qua nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Quốc hội sẽ thảo luận tổ về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và dự Luật Công đoàn (sửa đổi).

Quốc hội sẽ nghỉ một tuần để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.

Đợt 2 của kỳ họp thứ 7 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 17 đến sáng 28-6.

Tại đợt 1 của kỳ họp thứ 7 đã thực hiện nhiều nội dung quan trọng, trong đó có làm công tác nhân sự gồm bầu Chủ tịch nước Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, phê chuẩn bổ nhiệm Phó thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang.

Đồng thời, đã thảo luận, cho ý kiến vào nhiều dự thảo luật, nghị quyết, các vấn đề quan trọng khác. Quốc hội cũng tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn kéo dài 2,5 ngày đối với 4 nhóm lĩnh vực...

gia-vang-1715317548090630878921-17155708005981268471327.jpg

Diễn biến giá vàng CẬP NHẬT TẠI ĐÂY

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Campuchia

Tin tức từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết Việt Nam vẫn đang duy trì vị trí đứng đầu trong ASEAN và nằm trong nhóm 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.

Lũy kế đến năm 2022, Việt Nam hiện có 206 dự án đầu tư sang Campuchia còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký khoảng 2,95 tỉ USD.

cao-su-1-1701831639091452104431.jpg

Trụ sở Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom nằm giữa 16.200ha cao su, được đánh giá là vườn cao su đẹp nhất Campuchia - Ảnh: SƠN LÂM

Hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Campuchia chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông..., đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển hạ tầng và tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động người Campuchia.

Ở chiều ngược lại, Campuchia có 31 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 73 triệu USD, đứng thứ 51 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Trong quý 1-2024, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam đạt 1,39 tỉ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Việt Nam của Campuchia đạt 0,933 tỉ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Mỹ hỗ trợ phòng ngừa các bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long

Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) vừa phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam; Sở Y tế TP Cần Thơ tổ chức lễ khởi động dự án "Tăng cường tiếp cận một sức khỏe trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường".

thu-hoach-lua-chi-quoc-read-only-171656817292147862216.jpg

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa đông xuân - Ảnh: CHÍ QUỐC

Dự án sẽ được thực hiện tại TP Cần Thơ và tỉnh An Giang nhằm nâng cao năng lực cấp tỉnh/thành phố trong việc phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó trước các bệnh truyền nhiễm mới nổi liên quan đến biến đổi khí hậu và các mối đe dọa bệnh tật.

Các hoạt động dự kiến triển khai bao gồm: nâng cấp các cơ sở y tế ban đầu để hỗ trợ cung cấp các dịch vụ y tế liên tục khi xảy ra các sự kiện thời tiết cực đoan;

Tăng cường các dịch vụ y tế từ xa, trang bị tốt cho các cơ quan chức năng cũng như hệ thống y tế địa phương; tăng khả năng sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Đề xuất có thể hưởng ốm đau bằng giấy tờ do UBND xã cấp khi thiên tai, dịch bệnh truyền nhiễm

Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Y tế đề nghị cơ quan soạn thảo sửa quy định về hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ốm đau.

Cụ thể, bộ cho rằng trong trường hợp bất khả kháng, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nhóm A, người lao động không thể đến cơ sở khám chữa bệnh để trực tiếp khám chữa bệnh nên không thể cấp các giấy tờ liên quan.

hinh-1-17177679642961042891475.jpg

Khi xảy ra dịch bệnh nhóm A, người dân khó có thể xin các giấy tờ chứng minh điều trị hưởng chế độ ốm đau - Ảnh: HÀ QUÂN

Đó là giấy chứng nhận nghi việc hưởng bảo hiểm xã hội, bản chính/bản sao chứng thực giấy ra viện, bản tóm tắt hồ sơ bệnh án.

Do vậy, người lao động có thể thay bằng giấy tờ khác chứng minh bản thân được chăm sóc, điều trị tại nhà hoặc các nơi không phải cơ sở khám chữa bệnh. Giấy tờ do UBND cấp xã chứng nhận.

Về hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Bộ Y tế đề nghị làm rõ trường hợp nào thì cần giấy tờ gì để người lao động hiểu, thực hiện.

Người khuyết tật đặc biệt nặng được xác định mức độ khuyết tật theo quy định tại Luật Người khuyết tật, họ có giấy chứng nhận khuyết tật đặc biệt nặng thì không cần thiết kèm theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa ghi cụ thể tỉ lệ % suy giảm khả năng lao động.

Nếu quy định cần có kết luận của Hội đồng giám định y khoa, người khuyết tật đặc biệt nặng sẽ phải đi giám định y khoa, phát sinh thủ tục hành chính, chi phí tốn kém và phiền hà cho người lao động.

Dự kiến sự kiện, tin tức trong nước từ ngày 8 đến 15-6

- 8-6: Tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; Phiên họp Thường trực Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô; Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024; Ngày 8 và 9-6: Kỳ thi tuyển lớp 10 tại Hà Nội; Tại TP.HCM khánh thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Điểm hẹn kiều bào; Tại Hậu Giang, lễ xuất quân thực hiện các hoạt động "Tết Quân - Dân" năm 2025; Từ ngày 8 đến 10-6: Tại Hà Nội, Giải vô địch thể dục Aerobic châu Á.

- 10-6: Tại Hà Nội, Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Tại Đà Nẵng, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội thảo thực hiện bài học "dân là gốc", "dân là trung tâm": Phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - Thực trạng và những vấn đề đặt ra.

- Từ ngày 11 đến 26-6: Tại Thái Nguyên, Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2024.

- 12-6: Tại Hà Nội, Giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

- 13-6: Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6-2024; Tại Hà Nội, Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện kết luận số 01 của Bộ Chính trị và 2 năm thực hiện nghị quyết số 847 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; Hội nghị trực tuyến giao ban quản lý nhà nước quý 2-2024 với Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Từ ngày 15 đến 22-6: Tại Bình Dương, Lễ hội đậm nét văn hóa miệt vườn Lái Thiêu.

doc-gi-17177722997321635172033.png

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 8-6. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

thoi-tiet-8-6-17177723030341656067711.png
goc-anh202406080823290000-17178099837931520988460.png

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020