Chuyên mục  


Bên cạnh những cây cảnh truyền thống như đào, quất, thị trường Tết Ất Tỵ 2025 có thêm các dòng cây nguyên quả như bưởi, cam, hồng. Trong đó, cây hồng (giống cổ Hải Hậu, tứ quý, lồng đèn...) được ưa chuộng, giá cao.

Săn cây cảnh chưng Tết từ tháng trước, Anh Tú (Hà Nội) mua một chậu cây hồng đang rộ quả, tạo thế dáng đẹp, giá hơn 10 triệu đồng. Năm nay, anh chọn loại này vì lạ và chơi được lâu hơn các dòng cây Tết khác.

"Đây là dòng cây phong thủy, cầu phú quý, có thể chơi được tới tháng hai âm lịch mà không cần chăm sóc cầu kỳ", anh nói.

Xu hướng chơi hồng rộ lên, theo anh Tú, do các cành trĩu quả tượng trưng cho sự sung túc, màu đỏ của trái biểu tượng của may mắn ngày Tết.

Cây hồng của nhà vườn Vũ Tiến (trái) và Trần Anh (phải) được chào giá vài chục triệu đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhiều nhà vườn quanh Hà Nội báo cháy hàng loại cây này trong tuần cận Tết. Các cây hồng có sẵn quả hiện không còn hàng tại nhà vườn Ngọc Lâm (Gia Lâm, Hà Nội). Cách đó vài trăm mét, ở nhà vườn Vũ Tiến, những cây cao trên 1 m được chủ vườn chào giá 40 triệu đồng.

Sức mua cây hồng nguyên quả chơi Tết năm nay gấp ba năm ngoái, cạnh tranh ngang bưởi và những dòng cây khác dịp Tết, theo nhà vườn Trần Anh (Lục Ngạn, Bắc Giang). Tính đến ngày 19/1, họ đã bán được 1.500 cây, có thể tăng lên 1.800 cây vào những ngày tiếp theo, do tâm lý mua hàng cận Tết.

Ngoài Lục Ngạn, ông Trần Hoàng Anh - chủ vườn Trần Anh - còn thuê thêm khu đất ở Hưng Yên và Nam Định, để tiện cho khách ở các địa phương lân cận tới xem hàng. Cùng với bán trực tiếp, nhà vườn này cũng kiếm bội tiền từ kênh online. Họ thường gọi video call (trò chuyện video) để khách xem và kiểm tra trước khi cây được vận chuyển tới tay người mua.

"Việc kết hợp bán online đem lại nguồn thu lớn cho vườn, khi các giao dịch trực tuyến chiếm tới 60% năm nay", ông chủ vườn Trần Anh chia sẻ.

Ông cho hay thường người mua đặt cọc một khoản tiền, sau khi nhận và xem chất lượng cây sẽ thanh toán phần còn lại qua nhà xe. Người mua phần lớn tới từ các địa phương miền Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc...

"Thời điểm cận Tết, khách hàng thường tìm mua cây đã sẵn quả, giá trên dưới 50 triệu đồng", ông Hoàng Anh nói, thêm rằng cây hồng giống cổ Hải Hậu được ông bán giá cao nhất dịp này, lên tới 200 triệu đồng. Loại này thường đắt hơn các giống hồng cùng loại, do nguồn cung ít và kỹ thuật chăm sóc kỹ lưỡng, cầu kỳ hơn mới cho trái.

Một cây hồng cổ Hải Hậu chuẩn bị giao cho khách. Ảnh:Trần Anh

Các nhà vườn thường ghép, tạo dáng cho cây, phổ biến nhất là uốn lượn thế rồng... Bên cạnh đó, một số vườn mới thăm dò thị trường thường để cây sinh trưởng tự nhiên, không tạo thế, với giá bán rẻ hơn.

Vốn làm hồng treo gió, ông Đinh Nhật Toàn, Hợp tác xã nông sản Toàn Thương (Lạng Sơn), cho biết 3 năm trở lại đây, nhiều người bắt đầu hỏi mua cây hồng chơi Tết. Cây tại vườn của ông được trồng, sinh trưởng tự nhiên, giá bán dao động 5–6 triệu đồng mỗi cây, cao 1,5-2m.

Để hồng ra quả đẹp đúng dịp Tết, nhà vườn khuyến cáo người mua chú ý dinh dưỡng cho đất. Bởi hồng là loại cây ưa thoáng, rễ tơ cần không gian phát triển và dễ hút nước, dinh dưỡng.

Thủy Trương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020