Chuyên mục  


base64-17236532775461478837634.jpeg

Tại khu vực biên giới Hà Khẩu (giáp Lào Cai, Việt Nam), nhiều nhà bán hàng Trung Quốc sẵn sàng phục vụ khách sỉ lẻ - Ảnh: BÔNG MAI

Đó là khẳng định của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội khi trao đổi với Tuổi Trẻ về các giải pháp tiếp sức cho hàng Việt trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) trước sự tràn ngập của hàng nhập khẩu qua kênh TMĐT xuyên biên giới.

Theo các chuyên gia, cần sớm xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ được vận chuyển theo đường chuyển phát nhanh nhằm tạo sự công bằng với hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu được vận chuyển bằng các phương thức khác.

- Bà NGUYỄN THỊ CÚC (chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam):

Áp thuế để tránh thất thu ngân sách

base64-17236533229421211145344.jpeg

Những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của TMĐT, việc miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT với các loại hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống đã tạo điều kiện cho hàng nhập khẩu giá trị nhỏ tràn ngập tại thị trường VN. 

Trên thực tế, có tình trạng lợi dụng chính sách miễn thuế này mà đơn hàng được xé nhỏ còn vài ba trăm nghìn để trốn tránh thuế, gây thất thu thuế rất lớn cho ngân sách.

Về nguyên tắc, hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng được miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu, giá bán đến tay người tiêu dùng sẽ rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. 

Thế nhưng, giá bán hàng hóa nhập khẩu loại này đến tay người tiêu dùng trong nước thực tế lại không hề giảm dù hàng không có thuế. Người mua hàng vẫn phải mua với giá như hàng sản xuất trong nước có thuế vì giá bán là do thỏa thuận giữa người mua và người bán. Chênh lệch này người bán sẽ được hưởng.

Điều này không chỉ gây thất thu rất lớn cho ngân sách mà còn tạo ra sự bất bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước và gây thiệt hại cho người mua hàng. 

Do đó, tôi đề nghị cần phải bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống nhằm đảm bảo công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước, ngăn chặn tình trạng thất thu ngân sách.

Trong thực tế, nhiều nước như Singapore, Anh... đã bỏ quy định miễn thuế đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ từ lâu rồi.

- ĐB PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Ngân sách thất thu rất lớn

base64-17236533549921968557023.jpeg

Tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT sửa đổi) trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vừa qua đã bổ sung quy định một số trường hợp hàng hóa nhập khẩu không phải chịu thuế. 

Trong đó có việc miễn thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống theo quyết định 87 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, tôi đề nghị cần cân nhắc bỏ quy định này. Bởi theo báo cáo của Tổng công ty Bưu chính viễn thông vào tháng 3-2023, hằng ngày có từ 4 - 5 triệu đơn hàng qua biên giới nước ta qua các sàn TMĐT như TikTok, Shopee... được miễn thuế do giá trị của mỗi hàng hóa có giá trị nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng.

Dù giá trị đơn hàng nhỏ, không đáng bao nhiêu nhưng tổng số tiền mà các hàng hóa được miễn thuế này "không nhỏ chút nào" và ngân sách nhà nước sẽ thất thu một khoản khá lớn. 

Trong thực tế, nhiều nước trên thế giới hay ở chính khu vực Đông Nam Á cũng đã bỏ quy định miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để tạo bình đẳng cho hàng hóa sản xuất trong nước.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, cân nhắc việc đánh thuế VAT phù hợp nhằm bảo đảm sự công bằng giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa nhập khẩu. 

Bởi lẽ hàng hóa trong nước khi sản xuất ra vẫn bị điều tiết bởi thuế VAT, trong khi hàng hóa nhập khẩu qua sàn TMĐT giá trị nhỏ lại không chịu loại thuế này trong giá bán. Đó là điều bất hợp lý.

- Bà NGUYỄN MINH THẢO (trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Phải công bằng với hàng sản xuất trong nước

base64-1723653384245351421397.jpeg

Quy định hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu và VAT gây bất bình đẳng, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu qua các kênh khác.

Trong khi hàng sản xuất trong nước phải nộp thuế VAT mà hàng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh lại được miễn là không công bằng. 

Hàng nhập khẩu qua đường hàng không, nhập khẩu bình thường cũng vẫn phải nộp thuế VAT và thuế nhập khẩu. 

Như vậy, với việc không phải nộp thuế VAT 5 - 10% sẽ giúp hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng có lợi thế cạnh tranh hơn, chưa kể tình trạng "xé nhỏ" giá trị đơn hàng để né thuế.

Mặt khác, như thông tin từ các cơ quan chức năng, mỗi ngày có 4 - 5 triệu đơn hàng nhập về Việt Nam thông qua hoạt động TMĐT bằng dịch vụ chuyển phát nhanh. 

Ước tính bình quân mỗi đơn hàng nhập khẩu giao dịch qua hoạt động TMĐT có trị giá 200.000 đồng thôi, tổng giá trị hàng hóa loại này cũng lên tới 800 tỉ đồng/ngày.

Trong khi đó, thời gian thực hiện thông quan một lô hàng luồng xanh là rất nhanh, không giấy tờ, nhà nhập khẩu không phải đi lại nộp tờ khai mà thực hiện điện tử hoàn toàn.

Do đó, để công bằng với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước và các nhà nhập khẩu hàng hóa không qua chuyển phát nhanh, chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng cần bãi bỏ càng sớm càng tốt.

- ĐB PHẠM VĂN THỊNH (ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):

Nghiên cứu thu thuế VAT ngay

base64-17236534177801590714184.jpeg

Tôi đã có ý kiến về việc cần nghiên cứu để thu thuế VAT ngay với các hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. 

Cũng cần phải thấy rõ trong dự thảo luật đang thảo luận và luật hiện hành cũng không quy định đối tượng này thuộc diện miễn thuế hay thuế suất 0%, mà thực hiện theo quyết định 78/2010 của Chính phủ nên không phải vướng ở luật.

Theo tôi, Quốc hội hoặc Chính phủ nên có ý kiến về việc điều chỉnh quyết định 78 về việc miễn thuế với hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, logistics xuyên quốc gia nhằm tạo sự công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước và đặc biệt là tránh thất thu ngân sách.

Trong thực tế, theo số liệu của Hải quan và Tổng công ty Bưu chính viễn thông, với sự phát triển của TMĐT, ước tính chúng ta có thể đạt 2 tỉ đơn hàng/năm. 

Với giá trị bình quân là 300.000 đồng/đơn hàng, tổng giá trị hàng nhập với đối tượng này khoảng 600.000 tỉ đồng/năm. Nếu áp thuế VAT ở mức 10%, số thuế phải nộp phát sinh là 60.000 tỉ đồng (khoảng 2,5 tỉ USD).

Việc miễn thuế này, xét cho đến cùng, người tiêu dùng trong nước sẽ được giảm chi phí, hưởng lợi. Tuy nhiên, trong số những mặt hàng nhập về có rất nhiều mặt hàng mà các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân trong nước đang sản xuất được rồi, nên việc miễn thuế sẽ không bảo vệ được sản xuất trong nước.

Vì vậy, để bảo vệ sản xuất trong nước và trong môi trường thương mại toàn cầu hiện nay nên áp dụng quy định có tính thuế VAT với mặt hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ thực hiện vận chuyển qua logistics xuyên biên giới. Việc thu thuế này cũng không hề khó, có thể dễ dàng thực hiện.

Nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế đối với hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu qua các sàn TMĐT. Mới đây nhất, từ tháng 6-2024, nội các Thái Lan đã phê duyệt về nguyên tắc đề xuất của Bộ Tài chính về việc thu thuế VAT đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu có giá trị trên 1 baht (0,027 USD).

Theo đó, từ ngày 5-7, Bộ Tài chính Thái Lan đã bắt đầu áp thuế VAT đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả những mặt hàng có giá dưới 1.500 baht. Do vậy, Việt Nam cũng cần nghiên cứu để thực hiện ngay.

Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng

Việc miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng được áp dụng từ những năm 2010, thực hiện theo quyết định 78 năm 2010 của Thủ tướng.

Theo Bộ Tài chính, việc miễn thuế các mặt hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là do thực hiện theo Công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan (Công ước Kyoto) năm 1973 mà Việt Nam ký kết, trong đó quy định giá trị nhỏ tối thiểu sẽ không thu thuế hải quan và các thuế khác.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Do đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay.

70% hàng hóa thông quan trên môi trường điện tử

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết đã có văn bản trình Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ quyết định 78 năm 2010, hay nói cách khác là bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống.

Trong thực tế, thủ tục hải quan đã rất thuận lợi khi có tới 70% hàng hóa thông quan trên môi trường điện tử với thời gian xử lý chỉ 1 - 3 giây/tờ khai.

Do đó theo vị này, việc bãi bỏ chính sách này sẽ đảm bảo công bằng cũng như tăng sức cạnh tranh cho hàng sản xuất trong nước. Mặt khác, khi hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng không còn được miễn thuế nữa cũng góp phần ngăn chặn được việc trốn tránh thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Cũng theo vị này, tại dự thảo nghị định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua TMĐT vừa được hoàn tất, Tổng cục Hải quan đề xuất hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh phải nộp đủ thuế VAT.

Thái Lan "siết" VAT với hàng nhập giá trị nhỏ

Kể từ ngày 5-7, Thái Lan thu thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu có giá trị trên 1 baht (717 đồng). Theo báo Bangok Post, quyết định này có hiệu lực cho đến ngày 31-12-2024, nhằm đánh giá tác động trước khi đưa ra quyết định có nên gia hạn chính sách hay không.

Chế độ VAT trước đó có từ năm 2018, đánh thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu có giá trị trên 1.500 baht (hơn 1 triệu đồng). Với sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT, các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc, được miễn thuế hải quan và VAT, đang tràn ngập thị trường tiêu dùng Thái Lan và tác động tiêu cực đến doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

base64-1723653478672308194160.jpeg

Thái Lan tìm cách ngăn hàng giá rẻ nhập vào thị trường này qua “chợ mạng” - Ảnh: Bangkok Post

Do đó, Chính phủ Thái Lan buộc phải có biện pháp để bảo vệ doanh nghiệp và nền sản xuất trong nước.

Việc này dẫn đến động thái "siết" VAT hàng nhập khẩu giá trị thấp, nhằm tạo sân chơi bình đẳng giữa các nhà nhập khẩu và nhà sản xuất địa phương. Về lâu dài, Chính phủ có kế hoạch sửa đổi luật để giải quyết những vấn đề này một cách bền vững.

Ngoài Thái Lan, các nước trong khu vực như Indonesia và Malaysia cũng có biện pháp ứng phó với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong đó, Indonesia sẽ sớm áp dụng mức thuế nhập khẩu từ 100 - 200% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc để bảo hộ ngành sản xuất trong nước.

Còn Malaysia đã áp dụng thuế hàng hóa giá trị thấp (LVG) ở mức 10% đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị từ 107 USD trở xuống trên các trang thương mại điện tử kể từ ngày 1-1-2024.

Thuế LVG nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp địa phương phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ.

Tuy nhiên, người tiêu dùng Malaysia cũng tranh cãi về việc thuế LVG sẽ làm tăng giá hàng hóa, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt đang tăng cao.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020