Chuyên mục  


Phát biểu tại Hội đồng các Vấn đề thế giới (ICWA) của Ấn Độ chiều 1/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng tình hình thế giới hiện nay nổi lên 6 cặp mâu thuẫn lớn: chiến tranh và hòa bình, cạnh tranh và hợp tác, mở cửa, hội nhập và độc lập, tự chủ, đoàn kết, liên kết và phân tách, phân tuyến, phát triển và tụt hậu, tự chủ và phụ thuộc.

Theo Thủ tướng, sự bất trắc và bất ổn của môi trường an ninh toàn cầu đang ở mức cao, xung đột cục bộ và xu hướng tăng cường vũ trang gia tăng phức tạp. Kinh tế thế giới bước vào chu kỳ phát triển mới nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như lạm phát, nợ công tăng, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do xung đột, thiên tai.

Chủ nghĩa đa phương tiếp tục đóng vai trò then chốt, song đang bị thách thức nghiêm trọng. Các nước đang phát triển đại diện 80% dân số thế giới và đóng góp hơn 40% GDP toàn cầu nhưng chưa có tiếng nói xứng tầm trong Liên Hợp Quốc. Nhiều thách thức toàn cầu mới nổi lên đòi hỏi phương thức quản trị và luật chơi mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội đồng các Vấn đề thế giới chiều 1/8. Ảnh: Nguyễn Hồng

Thế kỷ 21 là của Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương, nhưng khu vực này cũng đứng trước rủi ro, thách thức lớn từ các điểm nóng, xung đột cục bộ, cạnh tranh nước lớn.

"Những vấn đề toàn cầu đó đòi hỏi tất cả các nước, thể chế đa phương phải kiên trì đối thoại, hợp tác để tìm ra giải pháp hữu hiệu", Thủ tướng nói. "Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ cần trở thành nhân tố tích cực đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và toàn cầu".

Theo Thủ tướng, hai nước cần chia sẻ tầm nhìn chung về thế giới hòa bình, hợp tác phát triển, đa cực, đa trung tâm, thống nhất trong đa dạng; ưu tiên đối thoại, hợp tác và biện pháp hòa bình thay vì sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.

Việt Nam - Ấn Độ cùng nỗ lực cho Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương phát triển thịnh vượng, rộng mở, trong đó "không quốc gia, dân tộc, cộng đồng dân cư nào bị bỏ lại phía sau".

Đề cập đến Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với phương hướng "năm hơn" giữa Việt Nam và Ấn Độ, Thủ tướng cho biết hai nước ưu tiên tăng cường tin cậy chiến lược, tạo nền tảng cho nâng tầm quan hệ trong giai đoạn mới.

Hai bên cũng cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực mới, đưa hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư phát triển tương xứng với tầm vóc quan hệ.

Các đại biểu dự nghe bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nguyễn Hồng

Ông đề nghị hai nước cần sớm xem xét đàm phán một thỏa thuận hợp tác kinh tế - thương mại mới; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ mới, cốt lõi, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Việt Nam mong Ấn Độ sẽ có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm, nhất là kết cấu hạ tầng, kết nối hàng không, hàng hải, năng lượng, dầu khí", Thủ tướng chia sẻ.

Đồng thời, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác đa phương, đề cao luật pháp quốc tế, kiên trì thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tăng cường đoàn kết và hiểu biết giữa các dân tộc.

"Chúng ta sẽ cùng nhau thúc đẩy hình thành một trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm, minh bạch, bình đẳng và khu vực Ấn Độ Dương và châu Á - Thái Bình Dương rộng mở, cân bằng, bao trùm, dựa trên luật pháp quốc tế, với ASEAN đóng vai trò trung tâm", Thủ tướng nói.

Ông mong muốn hai nước sẽ hiện thực hóa tầm nhìn về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở các vùng biển và đại dương, trong đó có Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Việt Nam tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ chính sách "hành động hướng Đông" của Ấn Độ, cùng nhau nâng cao tiếng nói, vai trò của các nước đang phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bài phát biểu tại Hội đồng các Vấn đề thế giới là một trong những hoạt động cuối cùng trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Ấn Độ ngày 30/7-1/8 của Thủ tướng Phạm Minh Chính, theo lời mời của Thủ tướng Narendra Modi.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu, đề nghị tăng thêm tần suất chuyến bay thẳng để góp phần thúc đẩy giao lưu giữa người dân và các địa phương hai nước.

Ông cũng đề nghị Tổng thống Ấn Độ tiếp tục ủng hộ quan hệ hai nước, nhất là hợp tác quốc phòng, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam các gói tín dụng ưu đãi, đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực. Việt Nam mong muốn hai bên có biện pháp nhằm tăng gấp đôi thương mại, đầu tư, du lịch hai chiều từ nay đến năm 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Droupadi Murmu. Ảnh: Nhật Bắc

Tổng thống Droupadi Murmu đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Narendra Modi, đặc biệt là việc hai bên thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện và làm sâu sắc các lĩnh vực hợp tác trên cơ sở "năm hơn".

Thủ tướng cũng hội kiến Phó tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Jagdeep Dhankhar, đề nghị Thượng viện Ấn Độ ủng hộ hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời mở rộng sang lĩnh vực mới nhiều tiềm năng, như khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, năng lượng tái tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo.

Hai nước nhất trí tăng cường giao lưu, hợp tác giữa quốc hội hai nước, chia sẻ kinh nghiệm giữa các ủy ban chuyên môn, đại biểu quốc hội.

Viết Tuân

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020