Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu trong khuôn khổ COP26 hôm nay diễn ra tại Glasgow, Anh lúc 12h ngày 1/11 (19h Hà Nội). Thủ tướng Phạm Minh Chính dự sự kiện và có bài phát biểu khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu - một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay.
Ông khẳng định các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe doạ sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư. Vấn đề này đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu.
Thủ tướng nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Khoa học phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 tại Anh ngày 1/11. Ảnh: AFP
Lãnh đạo chính phủ Việt Nam kêu gọi tất cả quốc gia cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, dựa vào hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia, phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu.
Ông nêu rõ tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. Các quốc gia phát triển cần thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính đã đưa ra, đồng thời khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa cho giai đoạn sau năm 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước có nền kinh tế phát thải lớn, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Cùng ngày, tại cuộc gặp ông José Vinals, Chủ tịch Ngân hàng Standard Chartered, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập đến thông điệp phải bảo đảm công bằng và công lý trong phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã trải qua thời gian dài chiến tranh, xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nên việc tiếp cận tăng trưởng xanh chậm hơn so với nhiều quốc gia khác. Cùng với đó, nền công nghiệp của Việt Nam cũng phát triển chậm hơn, đồng nghĩa với việc phát thải ít hơn so với các nước phát triển. Là một trong những quốc gia bị tác động nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn nỗ lực cố gắng làm hết sức mình để phát triển xanh, ứng phó biến đổi khí hiệu một cách bền vững và ổn định lâu dài. Thời gian trước đây, khi công nghệ năng lượng sạch chưa phát triển, Việt Nam phải phát triển điện than để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh một nước đang phát triển.
Do đó, trong quá trình chuyển đổi nguồn năng lượng, phát triển xanh, Việt Nam cần các nước phát triển chia sẻ với những khó khăn khách quan mà Việt Nam gặp phải, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị quốc gia về phát triển bền vững, ưu đãi về tài chính xanh, hỗ trợ về công nghệ xanh.
Tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh COP26, các lãnh đạo bày tỏ lo ngại trước những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với trái đất, đồng thời tái khẳng định nhân loại cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp ngay từ bây giờ và có những cam kết mạnh mẽ hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Các diễn giả cũng nhấn mạnh các nước phát triển cần thực hiện đúng cam kết huy động tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển trong các nỗ lực thích ứng và chống chịu, cho rằng COP26 là cơ hội cuối cùng để khôi phục tự nhiên và bảo vệ tương lai nhân loại.
Thủ tướng Barbados nêu bật các tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu đối với sự tồn vong của các quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương và Caribe, nhấn mạnh cần giải quyết tài chính, chuyển đổi và thích ứng để đạt các mục tiêu của thỏa thuận Paris, nhấn mạnh tình trạng hiện nay là "báo động đỏ" cho các nước G7 và G20.
Thủ tướng Italy Mario Draghi tuyên bố các nước G20 sẽ dừng cung cấp tài chính cho các dự án điện than vào cuối năm nay. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đề nghị các nước cam kết ở mức cao nhất, cần xây dựng các liên minh về tài chính và công nghệ để hỗ trợ các nước đang phát triển tăng trưởng xanh, bảo vệ những người dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu.
Tham dự COP 26 có lãnh đạo và đại diện của 197 bên tham gia Công ước. Ngoài ra có Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, lãnh đạo hàng chục tổ chức quốc tế và thể chế tài chính lớn trên thế giới, nhiều tập đoàn đa quốc gia và tổ chức phi chính phủ. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự COP26 và làm việc tại Anh từ 31/10 đến 3/11.
Võ Thành