Thông tin được ông Hà Minh Hải, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nói tại Diễn đàn Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững, sáng 12/12.
Ông Hải cho biết quy hoạch Thủ đô đang được thành phố trình Thủ tướng, trong đó xác định môi trường là một trong 4 đột phá, bên cạnh các yếu tố như thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, bảo vệ môi trường và xử lý ô nhiễm là hành động cấp bách.
"Đây là điều mới, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tới chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô", ông Hải nói.
Hà Nội với quy mô dân số gần 10 triệu người, diện tích hơn 3.300 km2, là một trong 20 thành phố có diện tích tự nhiên lớn nhất thế giới. Cùng sự phát triển nhanh chóng, thành phố đối mặt với thách thức lớn về ô nhiễm không khí, nguồn nước, ùn tắc giao thông...
Thành phố được định hướng trở thành đô thị thông minh, xanh, sạch, đẹp, an toàn và xử lý cơ bản ô nhiễm nước ở các hệ thống sông, hồ, theo Nghị quyết 15/2022 của Bộ Chính trị. Chiến lược tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa vào quy hoạch Hà Nội tới 2030, tầm nhìn 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến 2045, tầm nhìn 2065, cùng với Luật Thủ đô sửa đổi.
"Bốn từ khóa xanh, số, thông minh, bền vững được 'cấy gen' vào các quy hoạch", ông Hải nói thêm.
Đại lộ Thăng Long, đoạn qua Trung tâm hội nghị quốc gia, năm 2023. Ảnh: Ngọc Thành
Cụ thể, quy hoạch và phát triển không gian xanh, công cộng, ngầm, cao và số. Ông Hải khẳng định mọi dự án phát triển phải lấy tiêu chí xanh làm nền tảng. Bên cạnh đó, thành phố cũng phát triển giao thông xanh, thông minh, đồng thời nghiên cứu xây dựng tiêu chí và ban hành các quy định về xây dựng vùng phát thải thấp.
Trong giai đoạn 2025-2030, thành phố thí điểm lập vùng phát thải thấp (LEZ) ở một số khu vực tại quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, theo Nghị quyết được HĐND TP Hà Nội. Các khu vực được chọn thí điểm vùng phát thải thấp này sẽ hạn chế hoặc cấm ôtô, xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải.
Chia sẻ bên lề sự kiện, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng việc phát triển Hà Nội xanh không thể chậm trễ.
"Chất lượng không khí Hà Nội rất kém trong hai tuần gần đây, khi thời tiết chuyển sang đông và gió mùa, có sương mùa. Việc đẩy mạnh quá trình phát triển Hà Nội xanh là nhu cầu tất yếu", ông nói.
Để thực hiện phát triển thành phố xanh, ông Kiên cho rằng cần có cách nhìn mới về không gian kinh tế và môi trường, xóa bỏ cách nhìn nhận từ không gian quản lý hành chính. Chẳng hạn, thành phố có thể nghiên cứu phương án phi tập trung hóa đô thị, xây các trung tâm năng lượng tái tạo ở vùng ven, với phí đầu tư rẻ hơn do chênh lệch giá đất và các chi phí khác.
"Như vậy, các khu tái định cư sẽ có xu hướng mở rộng và phát triển ra vùng ven của đô thị lõi", ông Kiên phân tích.
Tại châu Âu, việc phi tập trung hóa đô thị đã hình thành nên các đô thị nhỏ, thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị. Việc này giúp quá trình công nghiệp hóa nông thôn hài hòa, giảm áp lực lên các siêu đô thị và "dễ dàng xanh hóa đô thị với chi phí hợp lý hơn".
Thủy Trương