Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura ngày 20/6 thông báo nước này đã nộp đề nghị chính thức gia nhập BRICS tại cuộc họp cấp bộ trưởng của khối vào tuần trước. Bangkok kỳ vọng nhận phản hồi tích cực và trở thành thành viên BRICS trong hội nghị thượng đỉnh tại Nga vào tháng 10.
Ngoài ra, Thái Lan đang cân nhắc xin gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sau khi nhận lời mời khởi động thảo luận. Ông Nikorndej cho biết Thái Lan vẫn đang trong giai đoạn xây dựng lộ trình, điều kiện và khung thời gian gia nhập.
"Khởi động xin gia nhập vào lúc này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Thái Lan, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thêm nguồn thu và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân", ông nói.
Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa (giữa) phát biểu tại cuộc họp ngoại trưởng các nước BRICS ở tỉnh Nizhny Novgorod của Nga vào ngày 12/6. Ảnh: Bộ Ngoại giao Thái Lan
Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa hôm 12/6 cho biết nước này đánh giá cao hợp tác với các thành viên khối BRICS và luôn tham gia tích cực trong mọi cuộc họp cấp cao của tổ chức.
Khối các nền kinh tế mới nổi được thành lập năm 2006 với 4 thành viên đầu tiên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg của Nga, trước khi kết nạp Nam Phi năm 2011. Khối kết nạp thêm 5 thành viên vào tháng 1, gồm Ai Cập, Iran, Arab Saudi, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Nga năm nay giữ ghế chủ tịch luân phiên của BRICS. Đại sứ Nga tại Trung Quốc ngày 6/6 tuyên bố đã có khoảng 30 nước bày tỏ mong muốn gia nhập tổ chức, ghi nhận tầm quan trọng chiến lược của BRICS về hội nhập và phát triển kinh tế toàn cầu.
Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 6 bày tỏ mong muốn tham gia BRICS, đánh giá tổ chức có tiềm năng thay thế Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim ngày 17/6 cũng thông báo nước này sẽ sớm khởi động quy trình xin gia nhập BRICS.
Thanh Danh (Theo Reuters)