Tiêu chí vào bảng xếp hạng Fortune Southeast Asia 500, công ty phải đạt ngưỡng doanh thu tối thiểu 460,8 triệu USD. Theo đó, trong lĩnh vực tiêu dùng - bán lẻ nhu yếu phẩm tại Việt Nam, Masan Group là công ty đứng vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng của Fortune với doanh thu năm 2023 đạt hơn 3,2 tỷ USD.
"Việc vào danh sách này khẳng định vị thế của Masan Group trên thị trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp vừa công bố chiến lược Go Global - mang ẩm thực Việt Nam ra thế giới, hướng tới 8 tỷ người tiêu dùng toàn cầu", đại diện Masan Group chia sẻ.
Văn phòng trụ sở Masan Group. Ảnh: Masan
Lãnh đạo Masan Group cho biết, năm 2024, Tập đoàn sẽ tập trung vào phát triển Masan Consumer, thực hiện chiến lược Go Global để trở thành đại sứ ẩm thực, gia tăng định giá lên mức hàng tỷ USD, đồng thời hướng đến 10 - 20% doanh thu từ thị trường toàn cầu.
Ông Trương Công Thắng, CEO Masan Consumer trong đại hội cổ đông thường niên năm nay tiết lộ, Masan Consumer sẽ xây dựng 6 thương hiệu tỷ USD trong chiến lược tiếp cận 8 tỷ người trên toàn cầu. Ông Thắng liệt kê, doanh nghiệp hiện có 5 "Big Brand" gồm Chin-su, Nam Ngư, Omachi, Kokomi, Wake-up. Các thương hiệu này đóng góp khoảng 150-250 triệu USD, chiếm 80% doanh thu của Masan Consumer trong 7 năm qua ở thị trường Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Masan, hiện thị trường FMCG Việt Nam có quy mô 32 tỷ USD, song Masan Consumer mới phục vụ khoảng 8 tỷ USD, tức chỉ chiếm 25%, tiềm năng thị trường còn rất lớn. Vì thế, chiến lược của Masan Consumer là nâng số "Big Brand" lên 6, thực hiện "Go Global" và trở thành công ty hàng đầu Đông Nam Á.
Những thành công ban đầu của hành trình "Go Global" gồm Chin-su đạt vị trí top 1 sản phẩm bán chạy trên sàn thương mại điện tử Coupang của Hàn Quốc, vị trí top 10 "best-seller" trên Amazon vào năm 2023. Các vị trí này đều tính theo ngành hàng tương ớt.
Omachi từ năm 2017 đến năm 2023 đã tăng gấp đôi số sản phẩm được tiêu thụ. Ban lãnh đạo Masan Consumer cũng chia sẻ lộ trình đưa Omachi trở thành thương hiệu tỷ đô. Theo đó, Omachi sẽ mở rộng thị trường mục tiêu, từ 1 tỷ USD của ngành hàng mì ăn liền lên 17 tỷ USD của ngành hàng thay thế bữa ăn tại nhà hàng (RMR). Mục tiêu này đã được hiện thực hóa bằng việc ra mắt sản phẩm lẩu tự sôi năm 2023, và thời gian tới là cơm tự chín Omachi.
Người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận tương ớt Chin-su tại Foodex Nhật Bản 2024. Ảnh: Masan
Từ năm 2017 đến năm 2023, Masan Consumer tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2 tốc độ thị trường chung. Theo một báo cáo mới đây của HSBC, Masan Consumer có tỷ suất lợi nhuận cao, tăng trưởng doanh thu ổn định và vượt đáng kể so với các công ty cùng ngành trong lĩnh vực FMCG và thực phẩm đóng gói trong khu vực. Năm vừa qua, công ty thiết lập mức lợi nhuận kỷ lục mới khi ghi nhận mức lãi sau thuế 7.195 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2022.
Bước sang 2024, với chiến lược Go Global và kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường tiêu dùng, Masan Group đặt mục lợi nhuận có thể tăng gấp đôi. Thời qua tập, tập đoàn này đã chuẩn bị đội ngũ nhân sự và hiện lên đến con số gần 40.000 người đến từ nhiều quốc gia.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Vinmart dịp cuối tuần. Ảnh: Masan
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 70 năm tạp chí Fortune ra đời (ấn bản đầu tiên được xuất bản vào năm 1955). Đây là lần đầu tiên Fortune đưa bảng xếp hạng này tới Đông Nam Á, danh sách gồm các công ty, tập đoàn từ 7 quốc gia: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Philippines và Campuchia.
"Với danh sách 500 công ty hàng đầu Đông Nam Á lần đầu tiên được Fortune công bố, chúng tôi muốn hướng sự chú ý đến câu chuyện tăng trưởng ấn tượng của Đông Nam Á và các công ty lớn nhất đang thúc đẩy nền kinh tế đang phát triển rất đa dạng của khu vực này", ông Khoon-Fong Ang, Giám đốc Vận hành của Fortune tại khu vực châu Á cho biết.
Hoàng Anh