10 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam bao gồm 2 công ty bất động sản (Vingroup, Vinhomes), 3 ngân hàng (Vietcombank, Techcombank, BIDV), còn lại là thép (Hòa Phát), sữa (Vinamilk), dầu khí (PV GAS), hàng tiêu dùng (Masan) và cảng hàng không (ACV). Doanh thu và lợi nhuận cho năm tài khóa 2020 được sử dụng làm dữ liệu phân tích cho bài viết.
Là công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường, ở mức xấp xỉ 16,88 tỷ USD, Vingroup chưa đủ để trở thành một trong số 500 công ty có giá trị lớn nhất thị trường chứng khoán Mỹ (S&P500). The Fox Corporation hiện đứng cuối bảng với giá trị vốn hóa 19,98 tỷ USD, lớn nhất là Apple với 2.660 tỷ USD - bằng 9,8 lần GDP của Việt Nam năm 2020 (theo số liệu của World Bank, GDP của Việt Nam là 271,2 tỷ USD).
BIDV có giá trị vốn hóa lớn thứ 10 trên sàn HSX nhưng doanh thu năm 2020 lại đứng đầu với 117.452 tỷ đồng, nhỉnh hơn một chút so với mức 110.755 tỷ đồng của Vingroup.
- Các chỉ số sinh lời là thước đo đánh giá khả năng tạo ra lợi nhuận trong mối quan hệ tương quan với doanh thu, chi phí hoạt động, tài sản và vốn chủ sở hữu.
- Chỉ số sinh lời cho chúng ta biết về mức độ hiệu quả trong hoạt động của các công ty cũng như mức độ sinh lời cho cổ đông. Chỉ số càng cao thì công ty hoạt động càng hiệu quả.
- Việc so sánh chỉ số này với các công ty cùng ngành cũng như mức độ sinh lời trong quá khứ giúp nhà đầu tư có một cái nhìn toàn diện hơn về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
Tuy ACV có mức vốn hóa 174.160 tỷ đồng nhưng doanh thu đạt được năm 2020 chỉ ở mức vô cùng khiêm tốn: 7.790 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với 18.364 tỷ đồng năm 2019 và đại dịch Covid-19 chính là nguyên nhân chính gây ra sự sụt giảm mạnh này.
Tuy nhiên, giá trị vốn hóa không phải là yếu tố quan trọng đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Tỷ suất sinh lời và triển vọng mới là yếu tố cần cân nhắc trước khi ra quyết định đầu tư.
Chỉ nhìn vào giá trị vốn hóa, doanh thu và giá cổ phiếu thì không thể đưa ra kết luận rằng một công ty hoạt động tốt hay không tốt.
Cho dù Vingroup có giá trị vốn hóa và thị giá cao hơn Vinhomes, việc phân tích bên dưới cho chúng ta thấy rõ rằng, Vinhomes bỏ rất xa Vingroup trong việc tạo ra lợi nhuận cho cổ đông (cho dù VIC nắm 66,66% Vinhomes).
Nhà đầu tư nhỏ lẻ thường để ý đến lợi nhuận ròng mà quên đi độ quan trọng của bức tranh tổng thể (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).
Có rất nhiều chỉ số được sử dụng để đánh giá mức độ lợi nhuận của công ty: lợi nhuận biên, lợi nhuận biên từ hoạt động kinh doanh (operating margin) hay lợi nhuận ròng (net profit margin). Tuy nhiên, các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường để ý tới lợi nhuận ròng mà quên bức tranh tổng thể khi không đánh giá lợi nhuận biên từ hoạt động kinh doanh.
Do đặc thù trong hoạt động kinh doanh vốn, doanh thu và lợi nhuận của ngân hàng tương đối khác biệt khi so sánh với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực khác.
Ý nghĩa của các chỉ số
Lợi nhuận gộp (gross margin): đo lường tỷ suất sinh lời mà công ty tạo ra sau khi trừ đi chi phí hàng bán (cost of goods sold - COGS) trên doanh thu ròng. Đối với mỗi ngành nghề khác nhau thì chỉ số lợi nhuận gộp khác nhau. COSG càng cao thì chứng tỏ mức độ lợi nhuận mà công ty tạo ra càng lớn cũng như công ty có khả năng cao trong việc định giá sản phẩm của mình. Vinamilk đứng đầu về tỷ suất lợi nhuận gộp với 46%, theo sau là Vinhomes. Vingroup đứng cuối bảng (ngoại trừ 3 ngân hàng) về tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức khiêm tốn 16%.
Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh: Có thể nói đây là một trong những tiêu chí quan trọng nhất khi đánh giá về mức sinh lời của công ty vì nó cho thấy hoạt động chính của công ty có tạo ra tiền hay không và tỷ suất này là bao nhiêu so với doanh thu trước các khoản bất thường - doanh thu khác và lợi nhuận khác (từ hoạt động tài chính, từ bán tài sản cố định, từ thu nhập bất thường).
Không bất ngờ khi Vinhomes - con gà đẻ trứng vàng của Vingroup - đứng đầu danh sách về tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ở mức 52%. Bất động sản mà mảng hoạt động vô cùng béo bở nhưng cũng vô vàn thách thức mà các đại gia lớn nhất Việt Nam không bỏ lỡ (bao gồm BRG Group, Sovico Holdings, T&T Holdings,...).
Gần đây, "bầu" Đức của Hoàng Anh Gia Lai đã thừa nhận, việc bỏ bất động sản để tập trung cho nông nghiệp là sai lầm lớn, HAGL đã biến mất khỏi danh sách những công ty lớn nhất sàn chứng khoán và bầu Đức không còn được nhắc tên trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Masan có mức sinh lời từ hoạt động kinh doanh ở mức cực thấp (2%), tuy nhiên cổ phiếu MSN đã tăng hơn 50% kể từ giữa tháng 6.
Lợi nhuận ròng: sau khi khấu trừ toàn bộ các chi phí, thuế và cộng toàn bộ lợi nhuận từ các hoạt động khác. Lợi nhuận ròng không phải là chỉ số được các nhà phân tích tài chính thực sự chú trọng nhưng lại gây tác động rất lớn tới sự biến động giá của cổ phiếu, đặc biệt sau mỗi lần thông báo kết quả kinh doanh hàng quý hay hàng năm.
Vinhomes tiếp tục là "nhà vô địch" về lợi nhuận ròng tuyệt đối ở mức 28.200 tỷ đồng, theo sau là Vietcombank với 18.470 tỷ đồng. Masan đứng cuối bảng với lợi nhuận ròng vô cùng khiêm tốn chỉ 1.395 tỷ đồng.
Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (Return on Equity - ROE):
Vốn chủ sở hữu bình quân được tính bằng trung bình của tổng nguồn vốn tại thời điểm cuối năm tài chính của 2 năm gần nhất. Trong một số trường hợp, vốn chủ sở hữu bình quân được tính bằng trọng số bình quân theo thời gian (time weighted average) khi doanh nghiệp phát hành thêm hoặc mua cổ phiếu quỹ trong năm tài chính đó.
Đây là một trong những chỉ số quan trọng nhất cho nhà đầu tư vì nó đo lường mức độ sinh lời mà công ty tạo ra trong mối tương quan tới vốn chủ sở hữu. Tần suất được sử dụng thường là hàng năm, đôi khi hàng quý. Tuy nhiên với những công ty có doanh thu/lợi nhuận biến động theo mùa vụ thì việc sử dụng chỉ số thường niên quan trọng và toàn diện hơn.
ROE được sử dụng rất rộng rãi khi so sánh các công ty trong cùng một lĩnh vực. Nó cũng được sử dụng để so sánh các công ty trong các lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, ROE có thể gây hiểu lầm hoặc cung cấp 1 cái nhìn không toàn diện về các công ty khác nhau nếu cấu trúc vốn/tỷ lệ đòn bẩy khác nhau. Đối với 2 công ty hoạt động trong cùng một ngành thì việc sử dụng đòn bẩy cao hơn có thể sẽ đem lại ROE cao hơn nếu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh lớn hơn chi phí vốn mà công ty phải trả cho ngân hàng hoặc các chủ nợ khác (trái chủ - người nắm giữ trái phiếu công ty).
Tuy Vinhomes thường xuyên được nhắc tới với mức sinh lời cao (30,1%) nhưng Vinamilk mới là nhà vô địch ở mức 33%.
Vingroup, ACV và Masan đứng cuối bảng với ROE ở mức dưới 5% - thấp hơn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hiện tại ở mức 5,5 - 6,5%/năm.
Tỷ suất sinh lời trên vốn sử dụng - Return on capital employed (ROCE):
ROCE là chỉ số toàn diện hơn ROE khi so sánh mức độ sinh lời vì cả vốn chủ sở hữu lẫn vốn vay được đưa vào công thức tính. Điều này sẽ khắc phục yếu điểm của ROE khi so sánh các công ty sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức khác nhau.
Vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh là phần chênh lệch giữa tổng tài sản và tổng nợ ngắn hạn. Đây là tổng vốn cần thiết cho hoạt động thông thường, đầu tư mở rộng và phát triển kinh doanh.
Hai doanh nghiệp trong cùng một ngành có thể có cùng tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu giống nhau nhưng nếu doanh nghiệp nào sử dụng ít nợ vay hơn (tỷ lệ đòn bẩy thấp hơn) thì hiệu suất sử dụng vốn của doanh nghiệp đó cao hơn. Khi điều kiện thị trường, kinh doanh không thuận lợi như kỳ vọng thì doanh nghiệp có đòn bẩy thấp hơn có thể tăng nợ vay bằng cách vay ngân hàng, phát hành trái phiếu. Ngược lại, các doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính cao sẽ gặp khó khăn hơn trong vấn đề huy động vốn thêm vì tỷ lệ đòn bẩy hiện tại đã ở mức tương đối cao.
Do đặc thù của hoạt động kinh doanh vốn, ngân hàng thường xuyên huy động tiền gửi ngắn, trung và dài hạn của cá nhân, tổ chức rồi cho vay. Vốn huy động thường chiếm tỷ trọng rất lớn so với tổng tài sản (xấp xỉ 90%) nên việc so sánh ROCE loại trừ ngân hàng.
Vinamilk tiếp tục duy trì vị trí vô địch khi ROCE ở mức rất cao: 32,8%, xấp xỉ ROE tại 33%. Lý do là doanh nghiệp này hầu như không có nợ vay mà kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn tự có và lợi nhuận chưa phân phối.
Vinhomes và Hòa Phát lần lượt chiếm vị trí thứ 2 và thứ 3 trong khi Masan và Vingroup đứng cuối bảng, lần lượt với 1,8% và 1,9%.
Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (Return on asset - ROA):
ROA đo lường tỷ suất sinh lời của tài sản doanh nghiệp, được tính theo công thức:
Tổng tài sản bình quân được tính dựa trên tổng tài sản trên bảng cân đối kế toán tại thời điểm cuối năm của 2 năm gần nhất.
ROA càng cao chứng tỏ tỷ suất sinh lời của tài sản doanh nghiệp càng lớn.
Có thể nói Vinamilk là một số những doanh nghiệp duy trì được hiệu quả sử dụng tài sản cao nhất với ROA ở mức 22,9%. Doanh nghiệp này có doanh thu "khiêm tốn" (59.700 tỷ đồng) so với Vingroup (110.700 tỷ đồng) hay BIDV (117.400 tỷ đồng) nhưng ROA vượt rất xa so với các ông lớn khác trong cùng bảng xếp hạng. Masan và BIDV đứng cuối bảng với ROA lần lượt ở mức 1,1% và 0,5%.
Tùng Mai (từ Canada)