Chuyên mục  


Thị trường chứng khoán vừa trải qua "ngày thứ Sáu đen tối" khi hơn 900 cổ phiếu bị nhuộm đỏ, trong đó sàn TP HCM chiếm gần phân nửa. VN-Index giảm gần 39 điểm, mạnh nhất trong hơn bốn tháng qua, và khép lại tuần giao dịch ảm đạm với chỉ một phiên tăng xen giữa bốn phiên giảm.

VN-Index đang neo tại mốc 1.443 điểm nhưng nhiều chuyên gia đều nhìn nhận đây có thể chưa phải điểm dừng cuối cùng. Thanh khoản từng phiên và cả tuần đều giảm so với tuần trước cộng thêm việc nhà đầu tư nước ngoài bán rất quyết liệt nên áp lực chốt lời có thể vắt sang những phiên đầu tuần sau. Chỉ số nhiều khả năng xuyên thủng thêm vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.420-1.425 điểm, bước vào vài tuần biến động mạnh theo chiều tiêu cực trước khi trở lại xây nền 1.440-1.450 điểm và tìm động lực chinh phục lại đỉnh 1.500 điểm.

Theo ông Huỳnh Hữu Phước, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, nhận định phần đông nhà đầu tư sẽ vẫn chấp nhận bán để bảo toàn thành quả còn sót lại sau đợt tăng nóng hoặc bán để cắt lỗ khi thị trường chưa tìm động lực tăng trở lại. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến chứng khoán rực lửa trong tuần qua khi tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) giá xuống và dòng tiền ngại giải ngân vì lo ngại biến chủng Omicron bao trùm.

"Tâm lý của nhà đầu tư cá nhân thường không vững vàng nên khi thanh khoản biến động mạnh (chênh lệch giữa phiên trước và phiên sau khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng) thì nỗi sợ không có lực cầu để kéo thị trường lên xuất hiện, dẫn đến quyết định bán rốt ráo", ông Phước nói về phiên cuối tuần trước.

Nhà đầu tư theo dõi bảng giá chứng khoán tại sàn giao dịch VNDirect. Ảnh: Quỳnh Trần.

Đồng quan điểm nhưng lãnh đạo phòng phân tích một công ty chứng khoán tại Hà Nội nói thêm, có hai nguyên nhân khác dẫn đến cú sốc tuần qua và có thể kéo dài trong tuần này.

Thứ nhất, những nhà đầu tư đang sử dụng đòn bẩy tài chính phải bán bớt do không còn nguồn tiền để cân bằng khi thị trường giảm nhiều phiên liền dẫn đến hiệu ứng domino. Khi nhà đầu tư mới tham gia thị trường (F0), động lực chính cho những sóng tăng vừa qua, chưa mạnh dạn giải ngân trở lại thì thị trường sẽ còn đi xuống và những nhà đầu tư đang dùng đòn bẩy tài chính có thể còn lao đao. Họ buộc phải bán tiếp để hạ tỷ trọng cổ phiếu, quản trị rủi ro trong danh mục và chờ đợi dòng tiền lan toả để nhập cuộc mới.

Thứ hai, những đồn đoán và sau đó là thông tin xác thực về việc Bộ Tài chính sẽ thanh tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt loại không có tài sản đảm bảo, khiến cổ phiếu bất động sản và chứng khoán bị xả hàng mạnh.

"Thị trường đang rất thiếu thông tin hỗ trợ. Dòng tiền khó trở lại ngay tuần sau nên VN-Index có thể điều chỉnh thêm vài phiên", vị này dự đoán.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) hôm nay cũng đưa ra nhận định tương tự. Dòng tiền yếu trên thị trường và những lo ngại xung quanh biến chủng Omicron khiến triển vọng tăng điểm của chỉ số trong những tuần cuối năm trở nên mong manh hơn.

Do đó, các công ty đều khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng trong giai đoạn này, ưu tiên quản trị rủi ro trong danh mục. Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạ tỷ trọng cổ phiếu xuống 40%, còn tiền mặt 60% và không mua mới khi rủi ro đang tăng. Với nhà đầu tư ưa mạo hiểm và trung, dài hạn thì có thể canh nhịp rung lắc để giải ngân và tích luỹ dần dần những cổ phiếu vốn hoá lớn, nền tảng cơ bản vững vàng nhằm đón đầu sóng tăng theo kết quả kinh doanh quý cuối năm khả quan.

Phương Đông

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020