Hôm 13/7, mỗi euro đổi được chưa đầy 1 USD, lần đầu tiên trong 2 thập kỷ. Đồng tiền chung châu Âu đang trên đà tiến tới năm tệ nhất kể từ khi ra mắt, đặc biệt khi cú sốc năng lượng do xung đột tại Ukraine đang đẩy khối này đến bờ vực khủng hoảng kinh tế.
Năm nay, euro đã giảm 11,8% so với USD, tương đương mức giảm năm 2015. Đây là năm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tung ra chương trình nới lỏng kỷ lục.
Giới phân tích hiện dự báo giá euro có thể tiến tới bằng 0,96 USD. Một số thậm chí cho rằng mỗi euro sẽ chỉ tương đương 0,9 USD nếu nguồn cung khí đốt cho châu Âu bị gián đoạn thêm nữa.
Diễn biến Euro - USD trong một năm qua. Đồ thị: Reuters
Việc này khiến ECB rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cơ quan này được dự báo tuần tới sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2011, nhằm đối phó lạm phát hiện ở mức kỷ lục 8,6%.
Euro yếu đi sẽ càng khiến vấn đề lạm phát thêm trầm trọng. Tuy nhiên, ECB không thể mạo hiểm thắt chặt tiền tệ mạnh tay, vì lo ngại đảo ngược quá trình tăng trưởng kinh tế.
"Chúng tôi nhận thấy khả năng euro xuống 0,97 USD và thậm chí là 0,95 USD", Olivier Konzeoue – Giám đốc Tiền tệ tại công ty quản lý tài sản UBP cho biết. Ông nhấn mạnh: "Về cơ bản, chúng ta đều biết đó là vì xung đột Nga – Ukraine".
Diễn biến mới nhất với euro xảy ra sau khi Nga đóng đường ống khí đốt Nordstream 1 để bảo dưỡng trong 10 ngày. Tuy nhiên, nếu Moskva gia hạn thời gian này, Đức - quốc gia đang kích hoạt giai đoạn 2 của kế hoạch khí đốt khẩn cấp 3 giai đoạn - sẽ bị buộc phân phối khí đốt theo định mức.
"Nếu sau 10 ngày, đường ống này không mở trở lại và các nước phải phân phối khí đốt theo định mức, đồng euro có thể xuống thấp kỷ lục", Christian Keller – Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế tại Barclays cho biết.
Giá năng lượng liên tục tăng cao đang khiến các nước thiệt hại. Đức vừa ghi nhận khoản thâm hụt thương mại đầu tiên kể từ năm 1991. Tâm lý nhà đầu tư cũng xuống thấp nhất kể từ đầu năm 2020 - thời điểm đại dịch mới xuất hiện.
Trong ngắn hạn, diễn biến euro có thể sẽ phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật và thị trường quyền chọn. Nhà đầu tư cho biết tình trạng ngang giá giữa euro và USD kéo dài sẽ kích hoạt các lệnh bán euro, có khả năng đẩy giá về 0,95 USD. Trên thực tế, dữ liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) Mỹ cho thấy kể cả trước khi đồng euro lao dốc, giới đầu cơ đã đặt cược euro sẽ yếu đi.
Tuy nhiên, trong dài hạn, giá khí đốt sẽ đóng vai trò chủ chốt. Phân tích của BNP Paribas về diễn biến của các đồng tiền khi giá năng lượng tăng vọt cho thấy đồng euro chịu tác động nhiều nhất so với các tiền tệ lớn khác. Mỗi cú sốc khí đốt khiến euro giảm trung bình 4,5%.
JPMorgan thì lưu ý khu vực đồng euro đang đối mặt với giá khí đốt tăng theo hình parabol và nguồn cung đã giảm 53% trong tháng 6. Riêng cường quốc công nghiệp Đức ghi nhận mức giảm 60%.
JPMorgan hạ dự báo giá euro về 0,95 USD "để phản ánh thị trường ngày càng sẵn sàng cho khả năng căng thẳng leo thang". Trong kịch bản tệ nhất, giá euro sẽ xuống 0,9 USD, JPMorgan cho biết.
Jordan Rochester của Nomura thì cho rằng euro có thể xuống 0,95 USD cuối tháng 8. Tuy nhiên, trong trường hợp các kho dự trữ khí đốt không thể làm đầy trước mùa đông, tỷ giá có thể về 0,9 USD.
Tương tự, các nhà phân tích tại Citi dự báo việc Nga cắt nguồn cung khí đốt sẽ kéo giá tăng vọt từ mức 170 euro mỗi megawatt giờ hiện tại. Euro sẽ về 0,98 USD nếu giá khí đốt lên 200 euro. Còn nếu giá lên 250 euro, con số này sẽ xuống dưới 0,95 USD.
Trên lý thuyết, ECB có thể can thiệp bằng cách bán USD để kéo euro lên, tương tự cách họ đã làm năm 2000, khi euro xuống 0,83 USD. Tuy nhiên, ECB đã ra tín hiệu sẽ không can thiệp trong thời gian này, có thể là vì tỷ giá thực (đã điều chỉnh theo lạm phát) giữa euro và USD vẫn cao hơn đáng kể so với năm 2002 - lần cuối cùng 2 đồng tiền này ngang giá.
Hà Thu (theo Reuters)