"Tôi tin rằng về cơ bản châu Âu sẽ thu được nhiều lợi ích khi mở cửa với thế giới. Nếu Trung Quốc có 'sản xuất ở Trung Quốc' hay Mỹ có 'Nước Mỹ trên hết', chúng ta cũng phải có 'sản xuất ở châu Âu hay 'châu Âu trên hết'", Stephane Sejourne, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), nói ngày 1/12.
Sejourne cho biết điều ông lo sợ nhất là châu Âu sẽ trở thành "nạn nhân liên đới của cuộc chiến thương mại toàn cầu". Ông phân tích rằng nếu Mỹ đóng cửa thị trường với Mỹ Latin, Ấn Độ hay Trung Quốc, thị trường châu Âu không thể là điểm đến của tất cả hàng hóa dư thừa khắp thế giới, nếu không khu vực này sẽ rơi vào khủng hoảng kinh tế ngắn hạn.
"Phải gửi thông điệp cứng rắn tới Mỹ để nói rằng chúng ta không có lý do gì để hạ thấp giá trị đàm phán và trao đổi thương mại của mình. Chính quyền mới ở Mỹ cần nhận ra rằng họ cũng chẳng được lợi gì nếu xảy ra chiến tranh thương mại", ông nói.
Ông Stephane Sejourne tại Paris, Pháp, ngày 12/1. Ảnh: Reuters
Quan chức EU nhấn mạnh châu Âu không muốn chiến tranh thương mại toàn cầu nổ ra, thêm rằng khu vực này có lợi thế chiến lược và công nghệ để phát triển các ngành công nghiệp của riêng mình, tạo việc làm và tăng trưởng.
Theo ông Sejourne, Ủy ban châu Âu sẽ tập trung nỗ lực vào các lĩnh vực chiến lược như thép, sản xuất ôtô và hàng không vũ trụ, cùng công nghệ sạch.
"Cần phải thực hiện một cách có mục tiêu, nhằm vào các lĩnh vực chiến lược quan trọng. Phải thực hiện theo hướng tấn công thay vì phòng thủ", quan chức EU nhấn mạnh.
Việc ông Trump đắc cử nhiệm kỳ hai khiến các lãnh đạo thế giới phải tìm cách thích nghi, đối phó với những chính sách dưới thời tổng thống thứ 47 của Mỹ. Ông Trump thúc đẩy chính sách "Nước Mỹ trên hết" và trong nhiệm kỳ đầu đã rút khỏi nhiều tổ chức quốc tế, thậm chí đối đầu với các đồng minh nếu cảm thấy Mỹ không được lợi.
Ngọc Ánh (Theo FT, AP)