Chuyên mục  


Bất ngờ, thú vị với Dưới bóng giai nhân (kịch bản - đạo diễn: Quang Thảo), không chỉ ở câu chuyện của nàng Kiều, mà còn cả câu chuyện của Hoạn Thư, cùng thông điệp nhân văn, hiện đại.

Trong Dưới bóng giai nhân, có ni sư Giác Duyên (do nghệ sĩ kỳ cựu Diệu Đức thủ vai), Hồ Tôn Hiến (Đình Toàn), Từ Hải (Đại Nghĩa), Thúc Sinh (Công Danh), Bạc Hạnh (Bạch Long), Bạc Bà (Tuyền Mập), Khương Cẩu (Trịnh Minh Dũng)… Những nhân vật rất quen từ kiệt tác Truyện Kiều, mà sự xuất hiện của họ đều để nhấn mạnh cuộc đời của bốn giai nhân, trong đó có người xuất thân từ nguyên tác, có người được "khai sinh" hoặc "kéo dài đời sống" bởi Quang Thảo. Là Đạm Tiên (Mỹ Duyên thủ vai) có đời sống nhân vật dài theo Kiều như một tri kỷ, như hình với bóng. Là tú bà Lã Thu (Hoàng Trinh) chỉ "sống" có một màn thôi nhưng cũng đủ cho thấy truân chuyên phận đời kỹ nữ. Là Hoạn Thư (Thanh Thủy) xuất hiện "chỉ" trong 7 cảnh… Và hẳn nhiên nhiều nhất là Thúy Kiều (Hồng Ánh), tận 11/14 cảnh.

Một Hoạn Thư không như người ta đã nghĩ

Thúy Kiều hẳn nhiên xuất hiện nhiều nhất trong Dưới bóng giai nhân, rất ấn tượng với màn dùng tay không đánh trống trong vũ điệu mang tính đối kháng với gã khách làng chơi con quan tri huyện. Kiều đánh trống đến khi lả đi, khắc họa đôi tay mỏng manh yếu đuối ấy không cam phận, dù cuộc đời vẫn đang vùi dập Kiều trong phận kỹ nữ. 

Kiều múa trống trong “Dưới bóng giai nhân”

Nhưng có lẽ, Hoạn Thư mới là nhân vật gây nhiều bất ngờ, thú vị nhất của Dưới bóng giai nhân.

Hoạn Thư là một trong những nhân vật của Truyện Kiều bước vào đời sống dân gian nhiều nhất. So sánh "ghen như Hoạn Thư" đã trở thành "chuẩn mực" của tất cả sự ghen tuông của người phụ nữ, hàm chứa ý nghĩa tiêu cực. Tuy nhiên, trong Dưới bóng giai nhân, một nhân vật đã biến thành tính từ, diễn tả những cơn ghen tuông hoặc tính ghen của người vợ như Hoạn Thư, hóa ra lại rất khác.

Yêu chồng rất mực và bảo vệ đến cùng hạnh phúc của cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối, Hoạn Thư chấp nhận cả việc mang tiếng oan thay chồng về chuyện vô sinh. Một người đàn bà tự thốt ra câu nói: "cho tới chết ta cũng không trả lời được vì sao ta yêu Thúc Sinh", dù nhiều lần phải chua chát chứng kiến sự hèn nhát đến nhục nhã của người chồng. Làm nhục Kiều cho hả cơn ghen của một người vợ bị chồng phản bội, nhưng Hoạn Thư cũng hai lần giải thoát cho Kiều. Hoạn Thư còn tỏ rõ khí chất của một người phụ nữ con nhà trâm anh thế phiệt, bản lĩnh ngay khi mình bị sa cơ thất thế.

voi-thuc-sinh-1733095693245157248439.jpg

Hoạn Thư (Thanh Thủy) và Thúc Sinh (Công Danh)

Chỉ duy nhất một lần Hoạn Thư phải khóc với Kiều, cũng là lớp diễn gây bất ngờ nhất. Đó là khi Hoạn Thư thốt lên: "Kiều ơi, hãy dạy ta cách ân ái đi. Bằng cách nào, bằng cách nào. Dạy cho ta đi. Chỉ cho ta đi, sự cách biệt nằm ở đâu. Tại sao Hoạn Thư phải thua Thúy Kiều. Tại sao?" Người đàn bà quyền quý con quan, mắc kẹt trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc, không hậu vận, mà vẫn phải giữ gìn thể diện, thốt lên những câu đó với "tình địch", nghe thật chua chát và tuyệt vọng. Tấm màn the buông thõng, chao động theo cảm xúc giữa hai người đàn bà, cho thấy tình cảnh người phụ nữ, kẻ muốn thoát ra, người muốn lao vào, trong cuộc mưu cầu hạnh phúc. Chưa chắc ai được ai thua, chưa chắc ai hạnh phúc hơn, ai bi kịch hơn.

Nghệ sĩ Thanh Thủy cho biết chị có lợi thế khi nhận vai Hoạn Thư, vì được đồng hành cùng tác giả ngay từ lúc thai nghén kịch bản, kéo dài trong nhiều năm, nên có sự thấu hiểu, cảm thụ nhân vật được trọn vẹn hơn. Những chuyển biến tâm lý phức tạp của nhân vật Hoạn Thư được Thanh Thủy diễn rất tròn vai.

xu-toi-17330956933631166512609.jpg

Kiều xử tội Hoạn Thư

Thanh Thủy từng có duyên và thành công với nhiều vai lão, vở diễn mới nhất chị làm đạo diễn cũng gây ấn tượng mạnh với vai bà mẹ trong Má ơi, út dìa!. Nay thì với nhân vật Hoạn Thư, Thanh Thủy lại thêm một vai diễn đáng nhớ nữa, về tầm mức, nó có thể sánh với vai Thần phi Nguyễn Thị Anh trong vở Bí mật vườn Lệ Chi đã trên dưới 20 năm, cũng trên sân khấu IDECAF. Hoạn Thư có lẽ là vai diễn ấn tượng nhất trong vài năm trở lại đây của Thanh Thủy. Chị đã làm được điều mà bản thân tự tin khẳng định trước khi Dưới bóng giai nhân mở màn công diễn: "khi mình thể hiện vai Hoạn Thư, mọi người sẽ phải thương".

Với nhân vật Hoạn Thư, Thanh Thủy lại thêm một vai diễn đáng nhớ nữa, về tầm mức, nó có thể sánh với vai Thần phi Nguyễn Thị Anh trong vở Bí mật vườn Lệ Chi đã trên dưới 20 năm, cũng trên sân khấu IDECAF.

Thông điệp nhân văn và… giá mà

Có thể nhận ra một thông điệp nhân văn hiện đại mà đạo diễn phản ánh trong Dưới bóng giai nhân:  "Women support women" (tạm dịch là: Phụ nữ hỗ trợ phụ nữ); đây từng là chủ đề mà Google Doodle đã đặt biểu tượng nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm 2023.

tu-hai-1733095693319582864757.jpg

Kiều và Từ Hải (Đại Nghĩa)

Đạo diễn Quang Thảo chọn 4 giai nhân (Thúy Kiều, Hoạn Thư, Đạm Tiên, Lã Thu) để kể cho khán giả bốn câu chuyện mà dẫu cuộc đời có thế nào, dẫu số phận trớ trêu ra sao, khiến họ phải gặp nhau trong những tình huống khó xử, thì những người đàn bà ấy vẫn có sự cảm thông cho nhau. Đặc biệt là mối quan hệ giữa Thúy Kiều và Hoạn Thư, không chỉ có ghen tuông, trả thù. Sự thú vị của một vở kịch cảm tác từ Truyện Kiều là đây, vì trong nguyên tác cũng ẩn tàng ý này, nay được làm sáng rõ hơn.

Một Hoạn Thư không đủ cao thượng để tha thứ cho kẻ cướp chồng mình, nhưng cũng rất tình người khi mở cho Kiều một lối thoát với "gói bạc ai đó đánh rơi dưới gốc cây ngân hạnh, của vô chủ ngươi cứ nhặt lấy mà dùng" và "đi đi, đi để còn kịp thấy ánh bình minh". Và Thúy Kiều, đầy cảm thông chia sẻ khi Hoạn Thư phải chua xót kêu lên "Kiều ơi, hãy dạy ta cách ân ái đi!"

Hai người đàn bà, tưởng như đang ở hai chiến tuyến tình yêu vì một gã đàn ông họ Thúc, vậy mà có lúc đã ôm nhau để thốt lên "Tại sao phụ nữ chúng ta lại phải cấu xé lẫn nhau để tranh giành một người đàn ông không xứng đáng?" Một Hoạn Thư với mái tóc bạc trắng của mấy mươi năm sau: "Người đời xưa chỉ chôn dưới nấm mộ kia hai chữ đàn bà".

3-giai-nhan-17330956933731059258754.jpg

Hồi kết. Từ trái qua: Hoạn Thư, Đạm Tiên và Kiều gặp lại nhau trong xót xa

Có thể nói, Quang Thảo đã mượn Kiều để kể chuyện Hoạn Thư. Với chất liệu đã kể như thế về Hoạn Thư, 7 cảnh, trong đó có 2 cảnh lớn của một vở kịch 14 cảnh, nếu muốn, Quang Thảo hoàn toàn có thể phát triển câu chuyện Hoạn Thư thành nhân vật chính. Có lẽ biên kịch kiêm đạo diễn cần… táo bạo nhiều hơn chăng, khi đã lỡ dám "cãi lại" nguyên tác và quan niệm dân gian, để xây dựng một hình tượng Hoạn Thư khá mới mẻ, khá thú vị đến vậy.

Ít nhất thì cũng đã có tiền nhân "ủng hộ" anh. Thi sĩ Bùi Giáng có kể lại trong Bùi Giáng - Tuyển tập luận đề, rằng ông đã từng ra đề bài cho học sinh "Trong hai người Thúy Kiều và Hoạn Thư, anh muốn chọn ai làm vợ?". Để rồi chính Bùi Giáng đã thừa nhận: "Dù sao ta cũng nên nhớ rằng nếu cần chọn một người tình để mà yêu thì ta nhắm mắt chọn Kiều, nhưng nếu phải chọn một người để cưới làm vợ thì ta nên sáng suốt chọn Hoạn Thư".

Vé VIP hết sớm

Vở kịch Dưới bóng giai nhân được giới chuyên môn và truyền thông ủng hộ, còn khán giả thì tạm thời vẫn đang là ẩn số. Suất diễn ngày 1/12 bán hết vé, suất 7/12 đã bán được hơn 2/3 lượng vé, các suất còn lại đã bán gần 1/3. Vé bán hết sớm nhất ở các suất lại là vé VIP.

Trong tình hình chính kịch rất khó bán vé như hiện nay, với sức chứa của Nhà hát Bến Thành hơn 1.000 ghế, so với các vở chính kịch diễn ở IDECAF với 285 ghế, Nhà hát Thanh Niên khoảng 700 ghế, thì khởi động như vậy cũng là khá đáng mừng rồi.

Các nghệ sĩ Pháp đưa Truyện Kiều lên sân khấu nhạc kịch

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020